Nhật Bản: Doanh số bán lẻ quần áo 2 tháng đầu năm 2010

Khởi đầu năm 2010, thị trường bán lẻ may mặc Nhật đón nhận những tin “vui”, sau một năm 2009 “bể dâu” đối với thị trường quần áo Nhật Bản. Suy giảm kinh tế đã đẩy sức tiêu thụ các mặt hàng nói chung và quần áo nói riêng rơi xuống mức thấp chưa từng thấy.

Tổng doanh thu thị trường bán lẻ tăng nhẹ hơn 2% trong tháng 1 năm 2010 tại Nhật, một phần là nhờ mức tăng trưởng mạnh trong nhu cầu mặt hàng may mặc và trang phụ kiện ( tăng hơn 7% trong tháng 1/2010 so với tháng trước đó).

Nhìn lại năm 2009, doanh số bán lẻ các mặt hàng nói chung tại Nhật các mặt hàng giảm lần lượt -3,90%, -2,80%, -1,90%, -0,70% qua quý I, II, III, IV. Doanh số bán lẻ mặt hàng vải, quần áo và trang phụ kiện cũng giảm mạnh -5,50%, -2,60% qua quý I, quý II năm 2009.

Brazil: tăng thuế nhập khẩu một loạt hàng của Mỹ

Mới đây, Brazil tuyên bố sẽ tăng thuế đối với hàng loạt mặt hàng nhập của Mỹ có tổng trị giá lên tới 591 triệu USD. Có khoảng 100 mặt hàng nằm trong danh sách tăng thuế, bao gồm các mặt hàng xa xỉ phẩm như mỹ phẩm (dầu gội đầu, nước hoa, kem dưỡng da), hàng điện tử, đồ gia dụng và ôtô. Mức thuế mới sẽ dao động trong khoảng 22% đến 100%, trong đó thuế nhập khẩu ôtô tăng từ 35% lên 50%, và sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ khi có thông báo.

Cùng với đó, một khoản phạt lên tới 238 triệu USD cũng có thể được ban hành trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và dịch vụ. Phía Mỹ sẽ có 30 ngày để thực hiện các cuộc đàm phán liên quan đến các biện pháp tăng thuế này của Brazil.

Trước đó, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã đồng ý cho Brazil sử dụng các biện pháp trừng phạt có tổng trị giá tối đa 829,3 triệu USD với Mỹ, đáp lại việc Mỹ trợ giá đối với ngành sản xuất bông sợi của nước này.

Mỹ đã tỏ ra lấy làm tiếc trước quyết định của Brazil và cho biết họ muốn giải quyết vấn đề thông qua đàm phán. Bà Nefeterius McPherson, người phát ngôn của Đại diện Thương mại của Mỹ (USTR) cho biết phía Mỹ mong muốn đàm phán để đạt tới một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên mà Brazil không phải dùng đến các biện pháp trừng phạt.

Trong khi đó, các quan chức Đại sứ quán Mỹ tại Brazil cho biết Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gary Locke sẽ tới Brasilia để thương lượng giải quyết vụ việc. Thương mại song phương của Mỹ và Brazil trong năm 2009 đạt 46,3 tỉ USD.

Ấn Độ: Ngành công nghiệp may mặc kêu gọi Chính phủ quản lý sát sao hoạt động xuất khẩu bông, sợi

Các nhà sản xuất hàng may mặc tại Ấn Độ đang “đau đầu” vì giá nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt và vì hiện tại nguồn cung vải không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Họ đòi hỏi Chính phủ đưa ra một biện pháp quản lý việc xuất khẩu sợi và bông thô của đất nước.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu may mặc (GEA) ông Rakesh Vaid cho biết giá sợi bông leo thang gần đây đã ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và thành tích của ngành công nghiệp may mặc. Ông này nói “Bên cạnh vấn đề giá cả bấp bênh, nguồn cung vải không đảm bảo đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng, làm các nhà máy dệt thoi không thể sản xuất kịp thời gian giao hàng”.

Nhiều nhà xuất khẩu hàng may mặc khác cũng có đồng quan điểm với ông Rakesh. Theo họ trong thời gian qua Ấn Độ chưa đưa ra cơ chế quan sát và quản lý việc xuất khẩu bông sợi, khiến nguồn nguyên liệu quý này “rơi” vào tay các đối thủ cạnh tranh hàng may mặc nước ngoài. Kết quả là các nước này lại tái xuất khẩu các mặt hàng giá trị thặng dư cao trở lại Ấn Độ.

Hiện tại, vấn đề cân bằng giữa nhà xuất khẩu dệt và xuất khẩu may mặc đã là một bài toán khó giải, không chỉ xẩy ra tại Ấn Độ mà nước láng giềng Pakistan cũng gặp phải vấn đề tương tự. Không kể quy mô, tất cả các doanh nghiệp may đều bị ảnh hưởng. Số đông phải cắt giảm biên lãi để tồn tại trong thời điểm đầy khó khăn này.

Được biết tại Ấn Độ, giá vải đã tăng thêm 5-10 xu trong vài tháng qua, giá bông tăng 30 xu trong vòng 6 tháng qua, đẩy giá nguyên liệu này lên 27500 Rs/candy (1 candy= 355kg).

Pakistan: Nhu cầu về máy móc dệt may tăng

Không khí náo nhiệt tại Triển lãm quốc tế Máy móc, Công nghệ dệt may (Megatech) 2010 lần thứ 8 vừa qua là chỉ báo cho thấy nhu cầu về máy dệt tại Pakistan đã thực sự phục hồi trở lại.

Hầu hết các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm tại triển lãm này cho biết họ rất hài lòng sau khi đã thương thảo thành công với những người thu mua tiềm năng. Từ nay, thị trường máy dệt đã được “cứu sống”, sau 2,5 năm “tồn tại” lay lắt kể từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu cuối năm 2008.

Phát biểu cảm tưởng sau Megatech 2010, ông Naeem ud Din, CEO hãng United Machinery (doanh nghiệp địa phương phân phối sản phẩm của công ty sản xuất máy dệt lớn nhất thế giới Golden Wheel), cho hay các nhà máy sản xuất dệt may địa phương, cũng như các doanh nghiệp da giầy đã bắt đầu đặt mua nhiều thêm máy móc dệt may kể từ 2 tháng qua. Ông cho biết thêm công ty của ông nhận được nhiều đơn hàng từ khu vực doanh nghiệp dệt nội thất và da giầy. Số lượng máy được đặt mua chỉ trong 2 ngày qua đã lên tới con số kỷ lục. Nhiều doanh nghiệp trưng bày sản phẩm tại Megatech cũng có đồng quan điểm. Tất cả đều lạc quan vào tương lai của thị trường.

(Vinanet)