Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh liên tục xảy ra nhưng sản xuất lúa năm 2010 dự kiến đảm bảo kế hoạch với sản lượng dự kiến khoảng 39-39,1 triệu tấn. Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sản lượng 21,3 triệu tấn, tăng khoảng 400 ngàn tấn so với năm 2009. Sản lượng lúa tăng chủ yếu do mở rộng diện tích gieo cấy. Việc tăng sản lượng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long bù đắp số lượng giảm tại khu vực phía Bắc do các hiện tượng thiên tai trên.

Thị trường gạo năm 2010 có nhiều diễn biến đảo chiều liên tục, khó lường. Thời điểm đầu năm 2010, thị trường xuất khẩu tương đối trầm lắng do dự báo về nguồn cung gạo tăng bao gồm cả kế hoạch giải phóng gạo tồn kho của Chính phủ Thái Lan trước khi thu hoạch vụ mới và khả năng quay trở lại thị trường xuất khẩu của Ấn Độ. Trong khi đó, một số nước nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Phillipines, Indonesia chưa thể hiện nhu cầu nhập khẩu gạo. Các đơn hàng từ thị trường châu Phi, đặc biệt là khu vực Tây Phi đều với số lượng nhỏ, các khách hàng một mặt ép giá, một mặt đòi hỏi tiêu chuẩn gạo khắt khe, ảnh hưởng tiêu cực tới giá gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt để đẩy mạnh các giao dịch xuất khẩu. Ngày 30/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 993/QĐ-TTg về việc mua tạm trữ tối đa 1 triệu tấn gạo hàng hóa vụ hè thu. Chủ trương này đã góp phần tiêu thụ cũng như làm tăng giá mua lúa gạo hàng hóa theo hướng có lợi cho người trồng lúa. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nỗ lực đàm phán để ký kết các hợp đồng với số lượng lớn.

Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 7/2010, giá gạo nội địa tại Việt Nam bắt đầu tăng mạnh một phần do việc triển khai thu mua tạm trữ đã phát huy hiệu quả, một phần do yếu tố tâm lý trước hiện tượng xuất khẩu gạo qua đường biên mậu và tình hình thiên tai dồn dập tại một số nước sản xuất tiêu thụ và xuất khẩu lương thực lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Pakistan, Nga và một số nước Tây Âu, v.v… Giá gạo bắt đầu tăng mạnh kể từ tháng 8/2010, việc duy trì giá sàn xuất khẩu được thực hiện để giãn bớt tiến độ đăng ký hợp đồng phù hợp với năng lực cung ứng lúa gạo hàng hóa xuất khẩu.

Tới ngày 15/9/2010, xuất khẩu gạo đạt 5,049 triệu tấn, giá trị FOB đạt 2,142 tỷ USD, trị giá CIF đạt 2,361 tỷ USD, giá bình quân là 424,24 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2009, về số lượng tăng 5,86%, về giá trị FOB tăng 10,19%, về giá trị CIF tăng 9,07%, giá trị xuất khẩu bình quân tăng 16,64 USD/tấn. Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã ở chung mặt bằng giá với gạo các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan.

Năm 2010, công tác chỉ đạo sản xuất và điều hành xuất khẩu gạo được thực hiện tốt. Về sản xuất, sản lượng lúa gạo hàng hóa tăng so với năm 2009 mặc dù Việt Nam tiếp tục đối mặt với tình trạng hạn hán, lũ lụt, ngập mặn; giá lúa gạo tăng lên tạo động lực cho nông dân mở rộng diện tích sản xuất lúa vụ Mùa, vụ Thu - Đông và vụ Đông - Xuân tới. Về xuất khẩu, năm 2010, Việt Nam không những duy trì được các thị trường truyền thống mà còn khai thông được một số thị trường mới và tăng cường giao dịch thương mại. Hiện tại nhu cầu đối với gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế rất lớn. Gạo Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đối tác truyền thống như: Malaysia, Indonesia, Cuba, Iraq và sau nhiều năm gián đoạn, đã có mặt với số lượng đáng kể tại thị trường Bangladesh. Gạo thơm và gạo 5% tấm của Việt Nam khẳng định được chỗ đứng tại châu Phi - thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam.

Tuy vậy, tình hình cung - cầu lương thực thế giới từ nay đến cuối năm và đầu năm 2011 còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Vì thế các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội lương thực Việt Nam đã thống nhất:

+về sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tiếp tục chỉ đạo sản xuất đúng tiến độ để đảm bảo nguồn cung lúa, gạo cho tiêu thụ nội địa, xuất khẩu và chủ động đảm bảo an ninh lương thực, cần đẩy mạnh trồng lúa vụ Đông-Xuân, trong đó chú ý đến giống lúa thơm đang được tiêu thụ mạnh với giá tốt trên thị trường;

+về công tác điều hành xuất khẩu, trước mắt các Bộ, ngành và địa phương thống nhất giữ giá lúa tốt theo hướng có lợi cho người trồng lúa, giúp tạo động lực mở rộng sản xuất lúa gạo vào cuối năm 2010 và đầu năm 2011; giao Hiệp hội lương thực Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội có hệ thống phân phối lưong thực tại các địa phương, đặc biệt là 2 Tổng công ty lương thực luôn đảm bảo lượng gạo tạm trữ đủ để tham gia bình ổn thị trường. Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội lương thực và các doanh nghiệp xuất khẩu đều phải theo dõi sát thông tin sản xuất, diễn biến cung-cầu lúa gạo trong và ngoài nước, tăng cường công tác dự báo, đẩy mạnh công tác phối hợp để kịp thời ứng phó với các biến động thị trường khi cần thiết.

(BCT)

Nguồn: Vinanet