Những thông tin đáng chú ý trên thị trường hàng hóa trong nước tuần qua.

* Sau mặt hàng thép, đến lượt xi măng rơi vào tình trạng cung vượt cầu. Đến cuối tháng 6-2010, Việt Nam có 108 dây chuyền xi măng đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế 65 triệu tấn/năm, tăng gấp đôi chỉ trong vòng bốn năm. Tuy một số nhà máy mới vẫn chưa thể vận hành đến công suất tối đa, nhưng tình trạng dư thừa đã xuất hiện do nhu cầu dự báo cho cả năm nay chỉ khoảng 58 triệu tấn.

Theo dự báo của các doanh nghiệp ngành xi măng, năm nay ngành này sẽ thừa ít nhất 5 triệu tấn. Năng lực sản xuất xi măng sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, vì hiện vẫn còn nhiều nhà máy lớn đang được xây dựng và theo quy hoạch, đến 2020 ngành xi măng Việt Nam sẽ có công suất 130 triệu tấn và trở thành một trong ba quốc gia sản xuất xi măng lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, cùng với mặt hàng thép xây dựng, sức tiêu thụ mặt hàng xi măng thời gian gần đây giảm mạnh giảm từ 30-40% so với cách đây vài tháng. Để giải quyết lượng sản phẩm dôi ra này, Bộ Xây dựng và doanh nghiệp xi măng đang cố gắng mở rộng thị trường ra nước ngoài.

* Theo dự báo thì năm 2010 được nhận định là “năm Vàng” của Việt Nam về xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đã giảm cả về số lượng lẫn giá cả.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam xuất được hơn 3,5 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 1,3 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2009, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm khoảng 5% về khối lượng.

Đáng nói là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục sụt giảm từ đầu năm đến nay. Theo các chuyên gia nông nghiệp, từ nay đến cuối năm, gạo xuất khẩu có thể đạt kế hoạch về khối lượng, nhưng về kim ngạch xuất khẩu lại có thể thấp hơn so với cùng kỳ năm 2009.

* Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy sức tiêu thụ thép xây dựng trong tháng 6 lên 350.000 tấn, tăng hơn 70.000 tấn so với tháng trước.

Nguyên nhân là do giá thép đang giảm mạnh (còn 11,2 triệu - 11,7 triệu đồng/tấn), thấp hơn giá thành sản xuất (giá thành sản xuất khoảng 12 triệu đồng/tấn) nên nhiều người xây nhà trở lại. Dự kiến trong tháng 7 này sức tiêu thụ thép vẫn giữ ở mức cao, từ 350.000 tấn- 380.000 tấn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng thép thành phẩm tồn kho tại các doanh nghiệp lên đến 380.000 tấn; còn lượng phôi thép trong tháng 7 này cũng lên đến 520.000 tấn... nên giá thép ít có khả năng tăng.

* Ngành thủy sản đang cần 300.000 tấn hàng hóa để xuất khẩu nhưng khó thực hiện do trong nước thiếu nguyên liệu. Nếu tình trạng này không được khắc phục sớm, ngành sản xuất hàng thủy sản xuất khẩu sẽ tổn thất nặng nề. chHiện nhiều doanh nghiệp không có nguyên liệu để chế biến, nhà máy chỉ hoạt động từ 30%-40% công suất, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

Để cứu vãn tình thế, nhiều doanh nghiệp đang lựa chọn giải pháp nhập khẩu nguyên liệu để chế biến (những doanh nghiệp nhỏ nhập khẩu vài ba trăm tấn còn doanh nghiệp lơn lớn đã nhập hàng chục ngàn tấn). Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời vì không có hiệu quả do giá nguyên liệu thế giới cũng đang tăng, lại phải chịu mức thuế cao cũng như phải đáp ứng được các quy định kiểm soát nghiêm ngặt nên khi nhập về giá thành đã khá cao khiến doanh nghiệp lỗ. Tuy vậy nhiều doanh nghiệp vẫn phải nhập để có hàng giao cho đối tác nếu không sẽ bị phạt.

* Thông tin Ủy ban châu Âu (EC) bãi bỏ việc áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng xe đạp Việt Nam vào thị trường EU được các doanh nghiệp trong nước kỳ vọng sẽ giúp phục hồi ngành công nghiệp xe đạp và đang tích cực chuẩn bị về nhân lực, linh kiện để có hàng xuất khi có yêu cầu từ đối tác.

Điều các doanh nghiệp đang chờ đợi là mức thuế mới sau khi thuế chống bán phá giá hết hiệu lực sẽ được EC áp dụng ở mức bao nhiêu, cao hơn hay thấp hơn mức thuế cũ?

(Cafe.F)

Nguồn: Vinanet