Giá cà phê giảm 1 triệu đồng/tấn, giá cá tra nguyên liệu và cá giống tăng mạnh, ống thép Việt Nam có thể bị điều tra chống bán phá giá tại Mỹ...

Tổng hợp tin hàng hóa trong nước tuần từ 24 - 29/10

Cà phê

 

Giá cà phê nhân xô tuần qua giảm 1 triệu đồng/tấn, tương đương 2,4%, chốt tuần tại 40,5 triệu đồng/tấn. Giá cà phê xuất khẩu tại TPHCM giảm 130 USD/tấn, tương đương 6,6%, xuống 1.840 USD/tấn.

Giá cà phê trong nước giảm theo đà cà phê robusta thế giới.

Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương nhất trí đưa cà phê vào mặt hàng xuất khẩu có điều kiện. Theo đó, trong hơn 150 doanh nghiệp sẽ chỉ có 50-60 doanh nghiệp có đủ điều kiện về kho bãi, bảo quản, chế biến, tài chính… trụ lại thị trường xuất khẩu cà phê.

Thủy sản

Giá cá tra nguyên liệu tuần này tăng 1.000 đồng/kg so với tuần trước. Giá ở các thị trường phía Nam có nơi lên cao nhất là 27.500 đồng/kg đối với cá loại 1.

Cá tra nguyên liệu được giá nên cá giống cũng đắt hàng, tăng 25% so với tuần trước.

Thép

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) kiến nghị nâng mức thuế suất nhập khẩu đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội từ 0% hiện nay lên 10% nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Đối với phế liệu thép không gỉ, VSA kiến nghị cần hạ thuế nhập khẩu từ 25% hiện nay xuống 0%.

Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam thông báo, 4 công ty sản xuất ống thép cacbon của Mỹ đã đệ đơn lên Bộ Thương mại nước này yêu cầu điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm ống thép nhập khẩu từ 10 nhà sản xuất ở Việt Nam.

Cao su

Kể từ ngày 8/12/1011, thuế thuế xuất khẩu mủ cao su tự nhiên, đã hoặc chưa tiền lưu hóa và mủ cao su ở dạng khác (thuộc nhóm 4001) sẽ được áp mức 3%.

Cao su tổng hợp (thuộc nhóm HS 4002) sẽ phải chịu thuế suất 5% thay cho mức thuế suất 3%.

Cao su hỗn hợp, chưa lưu hóa, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải (thuộc nhóm HS 4005) sẽ được giảm thuế xuất khẩu xuống còn 3% thay vì mức 5% như hiện hành.

Khoáng sản

Xuất khẩu khoáng sản của nước ta sau một thời gian đóng băng nay có xu hướng tăng trở lại kể từ đầu tháng 10.

Các đơn vị kinh doanh Việt Nam đã chuyển hẳn việc xuất khoáng sản thô sang xuất các sản phẩm đã qua chế biến hoặc tinh quặng. So với giá khoáng sản thô giá các sản phẩm sơ chế giá cao hơn 1,7 - 2 lần.

Hạt tiêu

Gần hai tháng qua, tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Đức Cơ, Chư Prông (Gia Lai), đã có gần 1.000 ha hồ tiêu đang thời kỳ kinh doanh bị nhiễm bệnh chết nhanh.

Nguyên nhân tiêu nhiễm bệnh là do thời tiết mưa nhiều, người dân canh tác không đúng kỹ thuật, cây hồ tiêu bị ngập úng, nấm Phytopthora xâm nhập, làm toàn bộ gốc rễ bị thối đen, cây chuyển màu vàng úa hoặc héo và chết rất nhanh trong vòng từ 5-7 ngày.

Nguồn DVT.vn

 

Nguồn: Vinanet