*Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/2/2009, VN-Index giảm xuống 276,22 điểm    

Thị trường chứng khoán ngày 11/2 tiếp tục có phiên giao dịch giảm mạnh phá vỡ đáy 277,81 điểm vừa được thiết lập trước đó ít ngày. Thị trường giảm mạnh song khối lượng giao dịch tăng 24% so với phiên trước.

Với đà giảm mạnh được thiết lập ngay từ đầu phiên, kết thúc giao dịch VN-Index giảm mạnh 5,8 điểm (tương đương giảm 2,06%) xuống còn 276,22 điểm.

Đáng chú ý phiên này giao dịch đã được đẩy lên, tổng khối lượng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được khớp lệnh thành công phiên này đạt gần 7,4 triệu đơn vị với giá trị là 147,21 tỷ đồng. Tăng 24% về khối lượng và tăng 38% về giá trị so với phiên giao dịch ngày 10/2. Tính chung toàn thị trường có 7,743 triệu đơn vị giao dịch trị giá 154,653 tỷ đồng.

*Hoàn trả khoản thuế đã tạm thu    

Theo Thông tư 27 được Bộ tài chính ban hành trước đó thì thời gian giãn nộp thuế từ tháng 01/2009 đến tháng 5/2009 cho 2 nhóm đối tượng: cá nhân cư trú có các khoản thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công, từ đầu tư vốn, từ chuyển nhượng vốn (bao gồm cả chuyển nhượng chứng khoán) từ bản quyền, từ nhượng quyền thương mại; cá nhân không cư trú có thu nhập từ đầu tư vốn, từ chuyển nhượng vốn (bao gồm cả chuyển nhượng chứng khoán) từ bản quyền, từ nhượng quyền thương mại.

Thông tư 27 có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho các khoản thu nhập phát sinh từ ngày 1.1.2009.  Đến tháng 5.2009, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định việc xử lý số thuế được giãn nộp này, khi đó sẽ thực hiện theo quyết định của Quốc hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cơ quan nào đã thu tiền thuế thu nhập cá nhân rồi phải hoàn trả cho người nộp thuế, còn nếu vẫn tạm thu thì vi phạm quy định và xử lý theo Luật quản lý thuế. Như vậy, tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập hằng tháng vẫn phải lập tờ khai số thuế theo quy định hiện hành và nộp tờ khai cho cơ quan thuế nắm được số thuế phát sinh nhưng được giãn nộp.

*Từ 10/2 triển khai bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp    

Thông tin từ Hiệp hội ngân hàng, từ 10/2, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chính thức triển khai bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tại các ngân hàng thương mại để thực hiện dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp (kể cả hợp tác xã) có vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng trở xuống và sử dụng 500 lao động trở xuống sẽ thuộc diện được xem xét bảo lãnh tín dụng từ VDB để vay vốn đầu tư tài sản cố định theo dự án, hoặc vay vốn lưu động để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.  Khi phát sinh nhu cầu vay vốn có bảo lãnh, doanh nghiệp cần gửi hồ sơ đề nghị bảo lãnh vay vốn đến VDB, hoặc phía các ngân hàng thương mại sẽ gửi hồ sơ đến VDB.

*Bộ Thương mại Hoa Kỳ không bỏ thuế chống bán phá giá với cá da trơn Việt Nam

Tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) không bỏ hoặc giảm mà sẽ giữ nguyên thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm cá tra, ba sa của Việt Nam vì họ cho rằng việc xóa bỏ thuế sẽ gây bất lợi cho người nuôi cá da trơn của Mỹ. Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ dự kiến phiên điều trần để xem xét vấn đề này vào ngày 6-5 tới tại thủ đô Washington, Mỹ. Mọi yêu cầu sẽ được đưa ra tại phiên điều trần cần phải viết thành văn bản và gửi tới ITC chậm nhất là vào ngày 1-5-2009.

*Vinalines chiếm 60% trọng tải đội tàu biển quốc gia

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) hiện có đội tàu biển với sức chở lên tới 2,5 triệu tấn, gần bằng mức trọng tải theo mục tiêu đến năm 2010 và chiếm 60% tổng trọng tải của cả đội tàu quốc gia. Trong năm 2008, Vinalines đầu tư mua và đóng mới 22 tàu biển với trọng tải khoảng 580.000 tấn, cao nhất so với các năm trước.

*Gần 5.000 tấn gạo xuất khẩu sang Nga bị tạm giữ tại cảng

Cơ quan Kiểm dịch động và Thực vật Primorye, vùng Viễn Đông - Liên bang Nga, tạm giữ lô gạo nhập khẩu từ Việt Nam gần 5.000 tấn, dự kiến trung chuyển qua cảng Primorye, Viễn Đông để vận chuyển tiếp đến Matxcơva. Lý do là do gạo không phù hợp với yêu cầu chất lượng của Nga; trong lô gạo này có xác côn trùng, một loại mọt gạo.

Toàn bộ lô hàng nói trên bị tạm giữ để loại trừ các xác mọt lẫn trong gạo. Sau khi làm vệ sinh, nếu đảm bảo yêu cầu, lô gạo này sẽ được cấp giấy chứng nhận phẩm chất lại và sẽ cho vào thị trường nội địa tiêu thụ.

*Các đại lý bán lẻ không được quyết định giá

Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ký tờ trình đề nghị Thủ tướng phê duyệt đề án “Đẩy mạnh phát triển và tăng cường quản lý nhà nước đối với các hệ thống phân phối trên thị trường bán lẻ hiện nay và những năm tiếp theo”.

Theo đề án này, Nhà nước sẽ tạo điều kiện phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ của các doanh nghiệp lớn, nòng cốt là doanh nghiệp nhà nước, để chủ động chi phối tình hình và dập tắt những biến động bất thường về cung cầu, giá cả. Để tránh tình trạng hỗn loạn về giá, đề án vạch rõ: các đại lý, đặc biệt là các đại lý ximăng, sắt thép, phân bón, hàng tiêu dùng… sẽ chỉ được nhận thù lao qua hoa hồng theo hợp đồng với các doanh nghiệp, không được tự ý nâng, quyết định giá. Các doanh nghiệp sẽ phải quản lý và chịu trách nhiệm về giá ở các đại lý của mình.

 

 

Nguồn: Vinanet