*3 nguồn vốn để kích cầu

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, gói kích cầu tổng thể của Chính phủ gồm nhiều nguồn giải ngân. Nguồn thứ nhất là phát hành trái phiếu Chính phủ để tiếp tục vay tiền đầu tư vào những công trình mục tiêu như trường học, bệnh viện, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Tiếp nữa là đầu tư cho các công trình nhà ở xã hội. Nguồn thứ hai dùng để kích cầu là sẽ miễn giảm, hoãn, chậm việc thu thuế để doanh nghiệp có nguồn đầu tư.

Nguồn thứ ba là Chính phủ sẽ sử dụng Quỹ dự trữ Nhà nước của Chính phủ để đầu tư cho một số mục tiêu, chủ yếu là để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm để thúc đẩy tiêu dùng.

*Vắng khách nhưng giá phòng khách sạn vẫn ở mức cao

Theo báo cáo của Vụ Khách sạn thuộc Tổng cục Du lịch, những tháng đầu năm 2008, giá phòng trung bình tại Việt Nam cao hơn giá của các nước trong khu vực khoảng từ 20% đến 30%. Hiện tại, nhiều khách sạn đã giảm giá do vắng khách nhưng giá trung bình vẫn cao hơn từ 10% cho đến 15%.

*Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu dịp cuối năm

Giá hàng hóa giảm chưa đáng kể và nền kinh tế vẫn diễn biến khó lường. Người dân ngập ngừng hơn khi lựa chọn sản phẩm. Trong xu thế đó, hàng nội đang được ưa chuộng nhiều hơn.

Giá hàng hóa dần hạ nhiệt từ 3 tháng nay, nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao so với các năm trước. Theo Tổng cục thống kê (GSO), tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm sẽ vào khoảng 22%. Hiện giá của một số mặt hàng trong nước có xu hướng tăng mạnh vào dịp cuối năm, dù giá nguyên liệu giảm. Có loại bánh kẹo tăng giá tới gần 50%, một số loại sữa của Việt Nam cũng leo thang dù giá thu gom sữa tươi đang đi xuống.

*Vn-Index lại mất ngưỡng 300 điểm

Phiên giao dịch ngày 16/12 chứng kiến một phiên giao dịch sụt giảm mạnh, VN-Index lại một lần nữa tụt xuống dưới ngưỡng 300 điểm. Kết thúc phiên, VN-Index giảm mạnh 11,86 điểm (tương đương giảm 3,85%) đóng cửa ở mức 296,42 điểm. Như vậy, sau khi bật mạnh và tạo khoảng cách khá tốt với ngưỡng 300 điểm, VN-Index đã lại xuống dưới ngưỡng này.

*Ngân hàng lúa

Việt Nam đứng vị trí thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo, ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất nước, nhưng công tác xuất khẩu gạo ở ĐBSCL chưa chuyên nghiệp, bài bản. Vì những lý do trên nên cần thành lập ngân hàng lúa để giúp nông dân có thể bán hoặc gửi lúa vào ngân hàng.

Ngân hàng có hệ thống vận tải chuyên dùng chuyển lúa từ hộ nông dân đến các si lô và từ si lô đến các cảng xuất gạo, có nhiều cảng chuyên dụng xuất gạo, trong đó có cầu cảng đón được tàu 30.000 DWT, tại cảng có nhà xay xát và hệ thống kho lưu trữ lúa, gạo. Ngân hàng lúa hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, là đầu mối kết nối nông dân với các nhà khoa học để hoạch định vùng chuyên canh lúa, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và lai tạo giống lúa.

*VIFA 2009 dành 150.000 đô la quảng bá ra nước ngoài

Hội chợ quốc tế Đồ gỗ & Mỹ nghệ xuất khẩu lần thứ hai (VIFA 2009), sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 14-3-2009 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC) vừa được xây dựng ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Năm nay, ban tổ chức dành ra khoản ngân sách 150.000 đô la Mỹ để quảng cáo trên các báo và tạp chí nước ngoài như: Furniture Today (Mỹ), Home Accent Today (Mỹ), World Furniture (Ý), MobelMarkt (Đức)...

 (tổnghợp)

Nguồn: Vinanet