*Tập trung phát triển cảng nước sâu, cảng trung chuyển, cảng cửa ngõ quốc tế

Cục Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải) vừa hoàn thành báo cáo cuối kỳ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng 2030. Theo đó, hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030 sẽ bao gồm các nhóm: cảng tổng hợp, container, cảng chuyên dùng cho than, quặng, hàng lỏng, hành khách, đóng sửa tàu và tập trung phát triển các cảng nước sâu, cảng trung chuyển, cảng cửa ngõ quốc tế có khả năng tiếp nhận tàu đến 80.000 DWT tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Hiện cả nước có khoảng 166 bến cảng các loại, 35 luồng hàng hải công cộng và 12 luồng vào cảng chuyên dùng; trong đó có 332 cầu bến với tổng chiều dài 39.951 mét, công suất thông qua 181,12 triệu tấn/năm nhưng vẫn thuộc loại yếu kém về chất lượng, lạc hậu về tình trạng kỹ thuật công nghệ, thiếu cầu bến cho tàu có tải trọng lớn, đặc biệt là các bến tàu container vận hành trên tuyến biển xa.

*Đang xây dựng đề án tái cấu trúc kinh tế Việt Nam    

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang bắt đầu phối hợp với các bộ, ngành xây dựng đề án tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Đề án được hoàn thiện cơ bản vào 20/3 và có thể trình Chính phủ vào cuối tháng 3/2009.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, ngoài việc phản ánh thực trạng nền kinh tế Việt Nam, dự báo những xu hướng và cảnh báo, đề án mang tên “Tái cấu trúc nền kinh tế trong điều kiện nền kinh tế thế giới suy giảm” sẽ đề xuất các giải pháp nhằm tái cấu trúc nền kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung chính của đề án sẽ tập trung vào các vấn đề như đánh giá, phân loại doanh nghiệp theo chủ sở hữu, theo mức độ đóng góp vào nền kinh tế, các cơ cấu và khả năng cạnh tranh, quá trình hình thành, đào thải của doanh nghiệp và sản phẩm, các vấn đề về tác động vốn đầu tư nước ngoài trong cơ cấu nền kinh tế...

*Xây nhà máy sản xuất phân bón DAP thứ hai    

Nhà máy sản xuất phân bón DAP thứ 2 được xây dựng tại Lào Cai, dự kiến hoàn thành năm 2012. DAP hiện là loại phân bón phải nhập khẩu hoàn toàn.

Công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem sẽ xây dựng nhà máy sản xuất phân bón cao cấp DAP số 2, tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, có công suất 330.000 tấn/năm, với tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng.

*Đề xuất Đà Lạt là đô thị loại I    

Theo Tờ trình số 18/TTr-BXD vừa trình Thủ tướng Chính phủ, Đà Lạt có đủ điều kiện để trở thành đô thị loại I. Tuy nhiên, còn một số chỉ tiêu cần phải nâng cao khi xây dựng thành phố như chiếu sáng đô thị, mật độ đường cống thoát nước và tỷ lệ sử lý nước thải được sử lý còn thấp so với quy định, còn về cơ bản các chỉ tiêu khác đã vượt các tiêu chuẩn quy định so với tiêu chí của đô thị loại I.

Về chỉ tiêu vị trí thì Đà Lạt là trung tâm kinh tế, chính trị...của Lâm Đồng, là điểm du lịch mang tầm cỡ Quốc gia.

*Từ 1/4 mua máy bay riêng sẽ chịu thuế suất cao    

Dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến các bên liên quan để ban hành trong thời gian tới. Mức thuế 30% này chỉ áp dụng đối với các trường hợp mua máy bay hoặc du thuyền về sử dụng cho mục đích cá nhân, còn nếu sử dụng vào mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách, du lịch thì không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đối với các tàu bay, du thuyền thuộc diện không chịu thuế nhưng lại sử dụng vào mục đích cá nhân thì sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá trị còn lại sau khi trừ đi giá trị khấu hao.

Các loại máy bay, du thuyền nhập khẩu về Việt Nam để sử dụng vào mục đích cá nhân sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 30% từ 1/4, thay vì mức 0% hiện hành.

*Giá vàng trong nước ngày 16/3 giảm nhẹ

Giá vàng SJC bán ra sáng ngày 16/3 không có nhiều biến động khi giảm nhẹ 20.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước, do trên thị trường châu Á không có nhiều thay đổi khi giao dịch ở mức 926 USD/oz.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC trong sáng nay được niêm yết ở mức mua vào 19,45 triệu đồng/lượng và bán ra 19,54 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ 20.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.

Giá vàng miếng rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu giảm nhẹ 10.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước được niêm yết ở mức mua vào 19,43 triệu đồng/lượng và bán ra 19,52 triệu đồng/lượng.

*VN-Index ngày 16/3, tiếp tục tiến sát mốc 255 điểm    

Phiên giao dịch đầu tuần ngày 16/3, giảm nhẹ so với phiên cuối tuần trước với tổng khối lượng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được khớp lệnh thành công đạt hơn 10,8 triệu đơn vị với giá trị là 202,16 tỷ đồng.

Kết thúc phiên, VN-Index tăng lên mức 254,56 điểm sau khi tăng 3,12 điểm, tức tăng 1,24%.

Hôm nay, sàn Hose có thêm 54,2 triệu cổ phiếu BCI của CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh niêm yết với giá tham chiếu là 27.000 đồng/cổ phiếu, đưa tổng số chứng khoán niêm yết tại đây lên 179 mã. Theo thống kê kết thúc phiên đã có tới 102/179 mã tăng giá trong đó vó 23 mã tăng trần, 42 mã giảm giá với 3 mã giảm sàn, 33 mã đứng giá và 2 mã không có giao dịch là BTC và PMS.

Sàn Hà Nội đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần với mức tăng 1,58 điểm lên 90,25 điểm. Như vậy đây là lần thứ 2 trong tháng Hastc-Index vượt qua được mốc 90 điểm. Khối lượng giao dịch phiên này tăng nhẹ so với phiên giao dịch cuối tuần trước, đạt 7,2 triệu cổ phiếu, tương đương 125,12 tỷ đồng.

Trong số 157/177 mã giao dịch, có 77 mã tăng giá vào cuối phiên, 46 mã giảm giá và 34 mã đứng giá.

*Hai tháng xuất khẩu lao động tăng 13% so cùng kỳ    

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết hai tháng đầu năm nay, đã có gần 18.000 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam từ đầu năm đến nay, dẫn đầu là Đài Loan, tiếp đến là Hàn Quốc, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Bahrain, Arập Xêut, Nhật Bản...

*15 doanh nghiệp Israel tìm kiếm cơ hội đầu tư tại VN

Theo tin từ Đại sứ quán Israel tại Hà Nội, từ ngày 18 đến 20/3/2009, đoàn 15 doanh nghiệp viễn thông hàng đầu của Israel sẽ tới thăm Việt Nam, nhằm tìm kiếm cơ hội và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Tham gia đoàn là các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực viễn thông như hạ tầng và thiết bị mạng cố định/không dây, các giải pháp IP, tối ưu hóa chi phí thiết bị/chi phí vận hành, quản lý và phân phối các dịch vụ gia tăng, các phần mềm quản lý và tư vấn công nghệ, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã và đang hoạt động tại Việt Nam như RAD, ECI, Vocal Tec và Gilat.

 

Nguồn: Vinanet