*Thị trường BĐS dự báo tiếp tục khó khăn

Chính sách thắt chặt tín dụng trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) vừa qua đã khiến các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Sự khó khăn ấy được dự báo là sẽ tiếp tục sau khi Chính phủ chỉ đạo tăng cường hơn nữa kiểm soát đối với hoạt động cho vay BĐS.

*Thêm cơ hội làm việc cho lao động Việt Nam ở Canada

Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa có chuyến thăm Canada để bàn về vấn đề hợp tác lao động, nhằm tiến tới mục tiêu ký kết văn bản ghi nhớ về hợp tác lao động song phương. Một đại diện của Cục cho biết, sự thiếu hụt lao động khiến nhu cầu về lao động nhập cư của Canada những năm gần đây tăng cao. Đặc biệt là ở các tỉnh khu vực miền Tây như British Columbia và Alberta, nhu cầu lao động có tay nghề hàng năm lên tới 30.000-40.000 người ở các ngành nghề xây dựng, nông nghiệp, cơ khí, tin học, chế biến thực phẩm và quản lý khách sạn.

*Tập đoàn Nhật muốn xây nhà máy thép 4 tỷ USD ở Việt Nam

Tập đoàn thép JFE Steel Corp của Nhật Bản đang đệ trình một dự án đầu tư 4 tỷ USD xây dựng nhà máy thép ở miền Trung Việt Nam, theo thông báo ngày 10/10. Nhà máy này có công suất khoảng 6 triệu tấn/năm, đặt tại Dung Quất, Quảng Ngãi, trên khu đất rộng 1.000 héc ta nằm tiếp giáp với bờ biển. JFE Steel là nhà sản xuất thép lớn thứ hai tại Nhật Bản và lớn thứ 5 trên thế giới.

* ITC xem xét thuế chống bán phá giá cá tra, basa VN

Theo tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Uỷ ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đã biểu quyết việc tiến hành đợt xem xét hành chính 5 năm thuế chống bán phá giá đối với cá tra, basa philê đông lạnh của Việt Nam. Theo quyết định ngày 7/10, ITC sẽ xem xét toàn diện để xác định việc xoá bỏ thuế chống bán phá giá có dẫn đến việc tiếp tục hay tái diễn gây ra những thiệt hại vật chất đối với ngành cá da trơn nội địa Mỹ trong một thời gian nhất định hay không.

*Giá vàng trong nước chịu tác động trực tiếp từ giá vàng thế giới.

Chiều 11/10, giá vàng trong nước lại giảm tiếp 40.000 đồng/chỉ so với lúc đóng cửa hôm qua. Đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường vàng chưa thể sôi động trở lại.

*Kiến nghị tăng thuế nhập khẩu thép thành phẩm

Trước tình hình sản lượng tiêu thụ thép trong nước hiện đang sụt giảm mạnh, chỉ còn 1/3 so với những tháng đầu năm, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đã họp các thành viên nhằm tìm lối ra và đẩy mạnh thị trường tiêu thụ. Giải pháp được đưa ra là ngừng giảm giá bán và đề xuất tăng thuế nhập khẩu. VSA cũng kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục giảm thuế xuất khẩu phôi thép xuống mức 0% (hôm 6-10 đã giảm xuống mức 5%). Đặc biệt, hiệp hội kiến nghị Chính phủ tăng thuế nhập khẩu thép thành phẩm từ 8% lên mức 25% để tránh lượng thép từ Trung Quốc đang ứ thừa tràn vào thị trường Việt Nam, ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước.

*Nhiều mặt hàng thuốc giảm giá 14% - 34%

Thông tin từ Sở Y tế TPHCM chiều 10-10 cho biết: Trước tình hình giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm, tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định, một số doanh nghiệp dược phẩm cũng đã nộp hồ sơ xin giảm giá các sản phẩm thuốc. Cho đến thời điểm hiện nay, Sở Y tế đã nhận được 5 hồ sơ từ các doanh nghiệp dược phẩm, chủ yếu là các doanh nghiệp trong nước: Hậu Giang, Vidiphar, Viễn Đông, 2-9; Imexpharm với 10 mặt hàng xin điều chỉnh giá giảm. Trong đó có một số mặt hàng giảm giá mạnh (14% - 34%) như: Hapacol, Hamett, Hagisen (Hậu Giang giảm 14% - 15%); Liptamin, Notizole (Viễn Đông giảm20% - 34%); Ropexid (Dược phẩm 2-9 giảm 21%) …

 *Thị trường chứng khoán tiếp tục trong xu thế giảm điểm

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục cộng hưởng và cùng chung cảnh ngộ với toàn thế giới. Kết thúc tuần giao dịch với cả 5 phiên mất điểm, VN-Index chỉ còn 379.06 điểm, mất 73.08 điểm (tương đương giảm 16.16%) so với phiên cuối tuần trước.
 
 

Nguồn: Vinanet