Sau giai đoạn suy thoái của kinh tế toàn cầu, tình hình xuất khẩu của cả nước tuy có cải thiện nhưng vẫn đang phải đối diện nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, quá trình chuyển dịch thị trường là thực sự cần thiết. Theo đó, trong khi xuất khẩu dệt may sang thị trường Mỹ và EU có dấu hiệu chững lại hoặc giảm sút thì xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản lại tăng mạnh. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may qua thị trường Nhật Bản ước đạt 440 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2008.  Nếu duy trì được tốc độ như những tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Nhật trong năm 2009 tăng khoảng 18-20%, đạt từ 900 triệu - 1 tỷ USD và năm 2010 có thể đạt khoảng 1.1 – 1.2 tỷ USD.   Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang sở hữu 3 lợi điểm khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản:

+đồng Yên lên giá mạnh;

+hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản với nhiều ưu đãi thuế hơn trước có hiệu lực từ đầu Tháng 7

+kinh tế Nhật Bản đã có dấu hiệu tốt lên nhờ chính sách kích thích tiêu dùng của Chính phủ.

Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đã tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do lượng xuất khẩu vàng của Việt Nam sang thị trường Thụy Sĩ tăng cao. Nhờ vậy, tỷ trọng của thị trường châu Âu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 20% lên 26%. Thị trường châu Âu tới đây sẽ được cải thiện hơn khi xuất khẩu dệt may, thuỷ sản sang Nga tăng dần.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Mỹ đạt 6 tỷ USD, giảm 7.7% so với cùng kỳ năm trước – mức giảm ít hơn so với tốc độ giảm chung. Do vậy tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang châu Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 21.2% lên 21.7%. Xuất khẩu sang châu Mỹ sẽ có sự cải thiện khi kinh tế Mỹ hồi phục và xuất khẩu thuỷ sản sang Brazil được mở rộng.

Liên quan đến vấn đề ngân sách Nhà nước, theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách 7 tháng đầu năm 2009 ước đạt 222,120 tỷ đồng, đạt 57.0% dự toán năm, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2008.  Tổng thu ngân sách Nhà nước trong Tháng 7 ước đạt 33,840 tỷ đồng, đạt khá so với mức thực hiện tháng 6 (tăng gần 5,000 tỷ đồng), nhờ có sự gia tăng số thu nội địa (tăng trên 3,000 tỷ đồng) và thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu (tăng khoảng 1,800 tỷ đồng). Tổng chi ngân sách Nhà nước thực hiện Tháng 7 ước 39,340 tỷ đồng; luỹ kế chi 7 tháng đạt 264,820 tỷ đồng, bằng 53.9% dự toán, tăng 3.2% so với cùng kỳ năm 2008. 7 tháng đầu năm, Nhà nước đã vay 35,200 tỷ đồng (vay trong nước 31,000 tỷ đồng và vay ngoài nước 4,200 tỷ đồng) để bù đắp bội chi ngân sách theo dự toán đã được Quốc hội phê chuẩn.

Bên cạnh đó, thông tin về lệ phí trước bạ cũng thu hút được quan tâm trong tuần qua. Theo dự thảo nghị định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mức thu lệ phí trước bạ khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân sẽ giảm xuống bằng 0.2% giá trị nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

(Vietstock)

Nguồn: Vinanet