Tháng 10 có 3/10 nhóm hàng có mức giá giảm và mức giá giảm lớn nhất là nhóm nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng (giảm 1,92%). Tiếp theo là nhóm “giao thông, bưu chính, viễn thông” (giảm 1,22%) – chủ yếu do tác động của giảm giá bán lẻ xăng dầu. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,19%, trong đó hàng thực phẩm giảm 0,52%, tập trung ở một số mặt hàng: thịt gia súc tươi sống (giảm 3,74%), thịt gia cầm tươi sống (giảm 4,91%), dầu mỡ ăn (giảm 4,6%), thủy hải sản tươi sống (giảm 1,18%)... Các mặt hàng còn lại đều có mức giá tăng nhưng giá tăng không đáng kể.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá: giá hàng hóa tiêu dùng trên thị trường đã có xu hướng chững lại và giảm sau một số biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ phát huy tác dụng. Mặt khác, giá hàng hóa trên thế giới đã có xu hướng giảm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập nguyên vật liệu cho sản xuất với giá hạ hơn so với những tháng đầu năm.

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường công tác kiểm tra, quản lý giá cả thị trường từ nay đến cuối năm và Tết Nguyên đán 2009; đặc biệt giám sát chặt chẽ về số lượng, chất lượng, giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của nhân dân, không để xẩy ra tình trạng hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng lưu thông trên thị trường. Các đơn vị được phân công nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết đã triển khai kế hoạch dự trữ, kinh doanh; đa dạng về chủng loại và đủ về số lượng hàng hóa, thực phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trước, trong và sau Tết, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, không tùy tiện tăng giá, nhằm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về kiềm chế tốc độ tăng giá, bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam