Trung Quốc sẽ đối mặt với sức ép việc làm gia tăng vào năm 2009 do tăng trưởng kinh tế chậm lại, xuất khẩu sụt giảm và số vụ phá sản gia tăng.
Trong "Sách Xanh 2009", Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), viện nghiên cứu hàng đầu của nước này, cho rằng việc làm của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bất chấp gói kích thích kinh tế 4.000 tỷ NDT (584,8 tỷ USD) để kích cầu trong nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, theo dự đoán của Viện này ở mức 8%-9%, so với tốc độ tăng trưởng hai con số trước đây, sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ việc làm của Trung Quốc.
Các thực thể kinh tế lớn và các nhà nhập khẩu chủ yếu các sản phẩm của Trung Quốc như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu và có thể khiến tình trạng mất việc làm gia tăng trong các doanh nghiệp theo định hướng xuất khẩu.
Theo CASS, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải giảm sản lượng hoặc phá sản vì lương trả cho công nhân tăng. Việc thiếu vốn do kim ngạch xuất khẩu giảm sẽ tác động mạnh hơn tới tỷ lệ việc làm.
Còn theo số liệu do Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC), cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của nước này, công bố, hơn 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dệt may Trung Quốc bị "loại bỏ" trong nửa đầu năm nay và hơn 2/3 số doanh nghiệp cần được tái cơ cấu. Khoảng 150 triệu lao động di trú, một động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh bởi sự phá sản của các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may. Tuy nhiên, hầu hết số công nhân di trú không đăng ký thất nghiệp sau khi bị sa thải vì vậy không thể có con số thống kê chính xác.
Cũng theo "Sách Xanh", Trung Quốc hiện đang đối mặt với nhiệm vụ khó khăn tìm việc làm cho gần 6,5 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học vào năm 2009.

Nguồn: Tân hoa xã