Theo Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở khu vực thành thị nước này là 9,4%, cao gấp hơn hai lần con số chính thức mà chính phủ đã công bố.
Báo cáo của CASS cho hay số người tìm kiếm việc làm thực tế cao hơn nhiều so với con số thống kê chính thức 4,5%, bởi số liệu chính thức đã không tính đến số lao động di cư bị ảnh hưởng lớn bởi kinh tế giảm sút. Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại, các khu vực miền trung và miền tây Trung Quốc phải đối mặt với các vấn đề thất nghiệp nghiêm trọng hơn các vùng duyên hải giàu có.
Hàng ngàn các nhà máy nhỏ và vừa đã phải đóng cửa trong năm nay, do nhu cầu trên thế giới về hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc giảm. Điều này đã đẩy hàng triệu lao động di cư lâm vào tình trạng không có việc làm. Nghiên cứu của CASS còn lưu ý việc 5,6 triệu sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ở Trung Quốc trong năm nay cũng đang đối mặt với khó khăn ngày càng tăng trong việc tìm kiếm việc làm.
Giám đốc Viện Xã hội học thuộc CASS, Li Peilin nhận định: "Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình kinh tế và xã hội Trung Quốc. Những ảnh hưởng này có thể vượt ra ngoài dự báo và chúng ta không biết rõ rằng liệu những ảnh hưởng này sẽ thay đổi xã hội như thế nào".
Bộ trưởng Nguồn Nhân lực Yin Weimin hồi tháng trước cũng đã thừa nhận rằng tỷ lệ thất nghiệp thực tế cao hơn con số chính thức được thông báo, vì số liệu này chưa tính đến lực lượng lao động di cư.
Các báo Trung Quốc cho hay hàng triệu lao động di cư đã mất việc làm ở các khu vực, như tỉnh Quảng Đông -trung tâm của ngành chế tạo của Trung Quốc- và đang trở về quê ở những khu vực nghèo hơn.
Chính phủ Trung Quốc hồi tuần trước đã thông báo gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ USD để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, trong đó có biện pháp đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã cắt giảm lãi suất 4 lần kể từ tháng 9/08, nhằm đẩy mạnh các hoạt động cho vay và đầu tư.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam