(VINANET) – Nhu cầu yếu trong khi nguồn cung tăng khi đang giữa vụ thu hoạch gây áp lực giảm giá gạo Việt Nam, trong khi gạo Thái cũng chẳng đạt được hợp đồng mới nào dù giá cũng giảm.

Nguồn cung đang tăng lên ở cả Thái Lan – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, và Việt nam – nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới – là một trong những nguyên nhân khiến giá gạo châu Á tuần qua giảm.

Nông dân Việt Nam đang thu hoạch 810.000 ha lúa, tương đương một nửa trong số 1,56 triệu ha gieo trồng của vụ Đông Xuân. Việc thu hoạch sẽ kết thúc trong tháng 4.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm tiếp xuống 360 – 380 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, từ mức 370 – 380 USD/tấn một tuần trước đây, trong khi gạo 25% tấm giá nhích nhẹ lên 340 – 355 USD/tấn FOB, từ mức 335 – 340 USD/tấn cách đây một tuần.

Thương gia của một công ty nước ngoài ở TP HCM cho biết: “Khách hàng Trung Quốc vẫn đang mua vào, chủ yếu là loại gạo thơm và gạo gãy vỡ, chứ họ không quan tâm tới gạo trắng” và thêm rằng nhu cầu mua nhìn chung yếu.

Các thương gia cho biết chương trình thu mua tạm trữ và các hợp đồng tổng cộng 540.000 tấn ký với Philippine và Malaysia không có ảnh hưởng nhiều tới giá trong tuần qua.

Khối lượng 240.000 tấn xuất sang Malaysia sẽ giao từ tháng 4 tới tháng 11, còn 300.000 tấn sang Philippine sẽ giao vào 30/4. Những hợp đồng này tương đối nhỏ để hỗ trợ giá lúc này, bởi sản lượng vụ Đông Xuân dwjkieens đạt ít nhất 5 triệu tấn.

Trong khi đó, khách hàng châu Phi đang tập trung mua gạo giá rẻ của Pakistan, với loại 5% tấm giá chỉ khoản 350 USD/tấn, còn các khách hàng khác có ý chờ đợi giá gạo Việt giảm thêm nữa.

Việt Nam đã xuất khẩu 493.000 tấn gạo trong giai đoạn tháng 1- tháng 2/2015, giảm 37,3% so với một năm trước, theo số liệu của TCHQ, cho thấy nhu cầu những tháng đầu năm 2015 rất yếu.

Tại Thái Lan, vụ thu hoạch phụ đã bắt đầu và giá cũng giảm bởi lượng tồn trữ còn rất lớn và giá bỏ thầu trong các cuộc đấu thầu thấp.

Gạo 5% tấm giá giảm xuống 403 USD/tấn, FOB, từ mức 407 – 415 USD/tấn một tuần trước đây.

Một thương gia Thái Lan nhận xét: “Giá thấp như hiện nay đủ để hấp dẫn khách hàng, nhưng vẫn rất ít người quan tâm tới việc mua (gạo Thái)”.

Thị trường đang chờ đợi kết quả cuộc đấu thầu hôm 6/3, ở đó chính phủ Thái Lan nhận được đơn chào mua 780.000 tấn gạo trong tổng số 1 triệu tấn chào bán, nhưng vẫn chưa quyết định chốt danh sách người mua.

Mới đây, hãng Reuters đưa tin Thái Lan đã quyết định hoãn tiến hành phiên bán đấu giá gạo lưu kho quốc gia nhằm tránh tình trạng giá gạo lao dốc để đảm bảo thu nhập của nông dân không bị ảnh hưởng, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Ngoại thương Thái Lan. Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan, chính phủ sẽ mở bán đấu giá gạo khi giá hồi phục. Dự đoán giá gạo sẽ tăng trở lại vào cuối tháng 4/2015.

Lúa vụ 2 của Thái Lan sẽ bắt đầu được bán ra thị trường và Thái Lan phải cân nhắc liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để tiến hành bán đấu giá hay không. Thái Lan đã bán 1,18 triệu tấn gạo trong 5 phiên đấu giá, thu về 17,21 tỷ baht (528 triệu USD) kể từ khi chính phủ quân đội lên nắm quyền hồi tháng 5/2014.

Thái Lan hiện có 17 triệu tấn gạo lưu kho quốc gia và dự định mở bán 10 triệu tấn trong năm nay và 7 triệu tấn vào năm tới. Mới đây, Thái Lan đã thắng thầu bán 200.000 tấn gạo cho Philippines và ký thỏa thuận xuất khẩu 2 triệu tấn gạo sang Trung Quốc trong năm nay.

Một số thông tin liên quan

Giá gạo nội địa Indonesia tháng 2 tăng mạnh

Theo Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự trữ giảm và vụ thu hoạch lúa chậm hơn thường lệ đã đẩy giá gạo nội địa tại Indonesia trong tháng 2 tăng mạnh. Tuy nhiên, nhờ phản ứng của Cơ quan Thu mua Lương thực quốc gia Bulog và vụ thu hoạch sắp tới, giá gạo dự đoán giảm trở lại trong tháng 3.

Giá bán buôn gạo tại Indonesia hôm 26/2/2015 tăng lên 11.500 rupiah/kg (892 USD/tấn), tăng 22% so với 9.400 rupiah (729 USD/tấn) ghi nhận hôm 1/2/2015; và giá bán lẻ gạo tăng 6% lên 11.400 rupiah/kg (885 USD/tấn).

Nguyên nhân chủ yếu là do lượng gạo lưu kho giảm và vụ thu hoạch lúa vụ 1 năm 2015 chậm hơn thường lệ, trì hoãn từ tháng 2 sang giữa tháng 3 hoặc đầu tháng 4 do gieo cấy muộn hơn kế hoạch. Lượng gạo lưu kho bán ra chợ bán buôn Cipinang trong tháng tháng giảm xuống 2.000 tấn từ 2.500-3.000 tấn giai đoạn tháng 9/2014 - tháng 1/2015.

Hiện Bulog đã quyết định phân phối 300.000 tấn gạo tại các chợ chủ chốt nhằm kiểm soát giá tăng và quyết định bán gạo với giá 7.400 rupiah/kg (574 USD/tấn) tại Java và 7.500 rupiah/kg (582 USD/tấn) ngoài địa phận Java.

Sản lượng lúa Indonesia sẽ tăng 4%

Báo Jakarta Globe dẫn lời một quan chức nông nghiệp Indonesia cho biết, ước tính sản lượng lúa nước này trong 4 tháng đầu năm 2015 sẽ đạt 32,9 triệu tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng trong mùa mưa chiếm khoảng 60% tổng sản lượng gạo nước này.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo rất quan tâm đến việc đạt được mục tiêu tự túc lúa gạo và ngừng nhập khẩu gạo trong năm nay.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng gạo của Indonesia năm 2014-2015 đạt 36,5 triệu tấn (57,4 triệu tấn lúa); tiêu thụ gạo 2015 đạt 39,2 triệu tấn.

Brunei  không đạt mục tiêu tự túc 60% lúa gạo trong năm 2015

Theo Bộ Công nghiệp và Nguồn lợi Quan trọng Brunei (Ministry of Industry and Primary Resources), sản lượng gạo nước này năm 2014 đạt 1.380 tấn, tăng 12% so với 1.230 tấn năm 2013.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Nguồn lợi Quan trọng Brunei cho biết, sản lượng gạo của nước này không thể đáp ứng 60% mục tiêu tự túc lúa gạo của chính phủ năm 2015.

Hiện cơ sở hạ tầng sản xuất lúa gạo của Brunei còn yếu kém và chính phủ đã dành một khoản ngân sách nhất định để giải quyết thực trạng này. Bộ Bộ Công nghiệp và Nguồn lợi Quan trọng đang lên kế hoạch tăng diện tích lúa cùng với xác định các giống lúa năng suất cao.

T.Hải

Nguồn: Vinanet/Reuters, Oryza