Sau sáu năm hoàng kim, thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới năm 2008 đã trải qua những ngày mất điểm thê thảm kể từ thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930 do tác động của của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Thượng Hải được coi là một trong những thị trường hoạt động tồi tệ nhất trong năm 2008 với mức sụt giảm tới hơn 65%, chỉ sau thị trường Nga, nơi mà chỉ số chứng khoán chủ chốt RTR để mất tới 72% mức giảm kỷ lục trong một năm. Trước đó, trong hai năm 2006 và 2007 chỉ số SCI tại Thượng Hải đã tăng tới hơn 300%.
Tại Hồng Công, nơi thị trường đang trì trệ, chỉ số Hang Seng khép lại năm 2008 với mức giảm lên tới 48%, mức sụt mạnh lớn thứ hai trong lịch sử và là mức tệ hại nhất kể từ khi xảy ra cú sốc dầu mỏ thế giới đầu thập niên 1970.
TTCK Nhật Bản hùng mạnh cũng trải qua đợt sụt giảm thê thảm nhất trong suốt 58 năm hoạt động với chỉ số Nikkei 225 để mất điểm tới 42% do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rơi vào suy thoái. Đợt suy giảm này đã vượt qua đợt sụt giảm 39% trong năm 1990 sau khi nền kinh tế gọi là "bong bóng" của Nhật bị vỡ trong những năm 1980.
Các thị trường phương Tây không phải là ngoại lệ, mà có lẽ Phố Uôn ngày càng chìm sâu vào những ngày đen tối theo sau sự suy thoái của nền kinh tế. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 33,84%, mức tồi tệ nhất kể từ năm 1931. Chỉ số S&P 500 giảm 38,49%, mức giảm mạnh nhất trong 77 năm qua. Chỉ số tổng hợp Nasdaq cũng giảm tới 40,54% trong năm 2008, năm tồi tệ nhất kể từ khi chỉ số này ra đời năm 1971.
Chỉ số chứng khoán FTSE 100 của Anh tổng kết năm 2008 tệ hại chưa từng có khi để mất tới 31,33%, trong khi chỉ số chứng khoán CAC của Pháp và DAX của Đức cùng chịu chung mức sụt giảm ở mức 40,37%.
Theo giới phân tích, sang năm 2009 TTCK có thể phục hồi, nhưng tiến trình sẽ sẽ chậm do các nhà đầu tư còn lưỡng lự mua chứng khoán trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn.

Nguồn: Internet