Chỉ số giá gạo trắng (WRI) của Oryza, cho biết giá xuất khẩu gạo trắng trung bình trên toàn cầu, chốt tuần này ở 390 USD/tấn, giảm 3 USD/tấn so với tuần trước nhưng tăng 6 USD/tấn so với một tháng trước đó. Trong tuần trước đó, chỉ số WRI đã tăng 5 USD/tấn do lo ngại sản lượng gạo giảm trong khi nhu cầu tăng.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (Bộ NNPTNT), Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tăng gần 3% lên 350 – 355 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, so với 340 – 345 USD/tấn; gạo 15% tấm đứng ở mức 345 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với tuần trước. Theo dữ liệu của Reuters, với mức giá 355 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, đây là mức giá cao nhất kể từ ngày 22/7/2015. Trong khi đó, gạo 25% tấm lại giảm nhẹ xuống còn 330 – 335 USD/tấn, so với 325 – 340 USD/tấn tuần trước.

Giá tăng mạnh sau thông tin về các hợp đồng cung cấp gạo quy mô lớn cho Philippines và Indonesia. Trong khi đó, giá gạo tại Thái Lan cũng tăng lên khi nhu cầu nhập khẩu gạo trên thị trường tăng, nguồn cung dự báo sẽ bị ảnh hưởng do tác động của El Nino.

Trong tuần này, Reuters dẫn báo cáo của Bộ Công thương cho biết, sau khi trúng thầu cấp 450.000 tấn gạo cho Philippines, Việt Nam lại vừa đạt được thỏa thuận cấp 1 triệu tấn gạo cho Indonesia, thời hạn giao hàng đến tháng 3/2016. Tuy nhiên, các quan chức phía Indonesia ngay sau đó đính chính họ chưa có kế hoạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam và 2 bên mới chỉ nhất trí một kế hoạch dự phòng hợp tác đối phó khả năng thiếu hụt lương thực trong mùa khô. Thông tin này có thể kéo giá gạo giảm.

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan 5% tấm tuần qua cũng tăng lên 360 – 365 USD/tấn, FOB Bangkok, so với 350 – 355 USD/tấn tuần trước. Tháng trước, giá gạo Thái Lan thậm chí xuống thấp nhất 8 năm. Hiện gạo của Pakistan cũng trở nên tương đối cạnh tranh trên thị trường, với gạo 5% tấm có giá 310 USD/tấn, FOB.

Thị trường kỳ vọng vào sức mua mạnh hơn từ khách hàng lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc. Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), nhập khẩu gạo của Trung Quốc năm 2015 có thể tăng 6,7% so với năm 2014 lên 3,2 triệu tấn. Trung Quốc đã mua 1,5 triệu tấn gạo Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay, bằng 1/3 khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn này. Trung Quốc đặt mục tiêu nhập khẩu 5,32 triệu tấn gạo trong năm 2016.

Kể từ năm 2012, giá gạo toàn cầu liên tục giảm do nguồn cung dư thừa trong khi nội tệ của các nước xuất khẩu gạo lớn suy yếu so với USD. Xu hướng phục hồi của giá gạo là do lo ngại tác động của El Nino đến nguồn cung toàn cầu. Theo dự báo, năm nay sẽ chứng kiến đợt El Nino tồi tệ nhất kể từ cuối thập niên 1990. Hiện tượng này có thể làm giảm 30% sản lượng lúa của Thái Lan xuống 22,98 triệu tấn trong niên vụ 2015/16, so với 32,62 triệu tấn niên vụ trước và thấp nhất kể từ 1996-1997.  

Theo giới chuyên gia, giá gạo năm nay sẽ chịu sự chi phố lớn bởi tình hình sản lượng gạo của Ấn Độ và Indonesia. Nếu sản lượng gạo của hai quốc gia này thấp hơn bình thường, giá gạo thế giới có thể tăng15 - 20% trong năm tới.

Trong nước, thị trường lúa gạo tuần qua cũng sôi động trở lại cùng với các thông tin về hợp đồng xuất  khẩu gạo.

Tại An Giang, gạo thành phẩm 5% tấm hiện khoảng 7.150 – 7.200 đ/kg, gạo 15% tấm tại kho khoảng 7.100 đ/kg. Ở Đồng Tháp, Kiên Giang, giá gạo nguyên liệu, gạo thành phẩm cũng tăng mạnh trong những ngày cuối tuần qua., với giá gạo thành phẩm 25% tấm, 15% tấm và 5% tấm đều tăng 50 đ/kg.


Giá lúa tại ĐBSCL được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới do nhu cầu thu mua xuất khẩu đang tăng cao.
Minh Phương
Tổng hợp