Giá vàng thế giới giao ngay cuối tuần qua sụt 1,5% giá trị xuống 1.746,30 USD một ounce. Trong phiên có lúc giá rơi xuống mức thấp 1.722 USD một ounce. Nếu căn cứ theo tỷ giá 20.800 đồng, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi lúc đóng cửa có giá khoảng 43,8 triệu đồng.

Giá vàng giao tháng 12 cũng chốt tuần mất 8,9 USD xuống 1.742,6 USD mỗi ounce. Mặc dù giảm trong phiên cuối tuần nhưng tính chung, kim loại quý vẫn tăng 5% trong tuần này và tăng 13% trong vòng 2 tuần qua.

Giá vàng tiếp tục giảm sau quyết định nâng tỷ lệ ký quỹ thêm 22% của Tập đoàn CME (chủ sở hữu của thị trường tương lai lớn nhất thế giới). Thị trường đã diễn ra đà bán tháo vàng ồ ạt. Quỹ đầu tư tín thác bằng vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã bán ra 12,77 tấn (12/8) đưa lượng nắm giữ xuống 1.260,77 tấn, thấp nhất kể từ đầu tháng 8.

Đây là phiên bán ra thứ 4 liên tiếp của quỹ trong tuần này, tổng cộng gần 50 tấn. Lượng bán ròng trong tuần đã lên tới trên 23 tấn, sau khi mua ròng hơn 57 tấn trong tháng 7.

Nhận định xu hướng giá vàng tuần này, trong số 22 người tham gia khảo sát của Kitco.com, có 4 người cho rằng giá đi lên, trong khi 14 người dự đoán giá giảm và 4 người còn lại nghĩ rằng giá đi ngang.

Giá vàng đã phá vỡ mọi mốc kháng cự khiến các chuyên gia phân tích bắt đầu phải tính toán và dự báo lại với những mốc cao hơn. Từ 1.800 USD/ounce, hiện mức giá vàng có thể sẽ tăng trong thời gian tới là 2.000 USD/ounce và tiếp đó có thể là 3.000 USD/ounce.

Tuy vậy, cũng từ mức tăng kỷ lục này giới đầu tư bắt đầu xả hàng kiếm lợi nhuận để bù đắp thua lỗ, cũng như để đầu tư sang những tài sản rủi ro khác. Trong 2 phiên cuối tuần, giá vàng nhanh chóng sụt giảm về quanh mốc 1.700 USD/ounce.

Quỹ đầu tư vàng SPDR đã bán ra với khối lượng lớn nhất kể từ đầu năm là 23.6 tấn vàng. Các nhà đầu tư khác buộc phải chú ý tới động thái chốt lời ồ ạt của các quỹ đầu tư lớn như SPDR và họ cho rằng khả năng đà rơi của giá vàng sẽ còn tiếp tục.

Theo các chuyên gia dự đoán, trong tuần này giá vàng có thể sẽ còn tiếp tục giảm. Sự phục hồi của thị trường chứng khoán đã khiến dòng tiền rời khỏi thị trường vàng. Katherine Spector, nhà phân tích hàng hóa tại CIBC cho rằng, thị trường chứng khoán tăng trở lại có thể sẽ khiến vàng điều chỉnh giảm.

Theo Frank McGhee, một thương nhân kinh doanh vàng, trong tuần này, thị trường có thể còn những đợt bán vàng, do vậy khả năng giá vàng sẽ còn chịu áp lực giảm.

Khảo sát mới đây trên Kito.com, có 34 người tham gia gồm các đại lý vàng, ngân hàng đầu tư, thương nhân và các nhà phân tích kỹ thuật, thì có 23 người đã cho biết về xu hướng của giá vàng. Trong 23 người này đã có 5 người dự đoán vàng sẽ tăng giá, trong khi 14 người cho rằng giá vàng sẽ giảm, và giá đi ngang hoặc không thay đổi nhiều.

Những người đoán giá vàng sẽ giảm trong tuần này cho rằng, sự phục hồi của chứng khoán và việc CME Group bắt tăng tỷ lệ ký quỹ cho các nhà đầu tư vàng là một trong những lý do khiến vàng sụt giảm ở cuối tuần này và sẽ tiếp diễn tình trạng này trong tuần này.Theo một số người khác, khả năng giá vàng sẽ giao dịch ở mức 1.675 USD/ounce trong tuần này.

Trước cơn sốt vàng của thế giới, do không nhạy bén trước tình hình và do cơ chế xuất nhập còn nhiều bất hợp hợp lý, trong 7 tháng đầu năm 2011, Việt Nam đã xuất 30 tấn vàng, với giá tính trung bình 40 triệu USD/tấn. Trong khi đó, nhiều quốc gia lại mua vào nhiều vàng và chỉ bán ra nhỏ giọt. Thực tế đã chứng minh các quốc gia này nhạy bén và cập nhật hơn chúng ta, bởi hiện tại, dù đã có giảm chút ít, giá vàng thế giới vẫn dao động vào khoảng 60 triệu USD/tấn; trước đó, Việt Nam chỉ xuất khẩu với giá 40 triệu USD/tấn. Đây là một thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế của nước ta.

Một nguyên nhân nữa góp phần khiến giá vàng tăng mạnh tại Việt Nam, là do giới kinh doanh vàng tranh thủ giá vàng thế giới tăng nhanh, và đoán biết tâm lý của người đầu tư cho rằng giá vàng còn đi lên, đã dùng kỹ xảo đẩy giá vàng trong nước tăng nhanh, cao hơn giá thế giới để trục lợi. Có thể thấy rằng chính những bất hợp lý trong cơ chế điều hành xuất nhập khẩu vàng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cơn sốt vàng trong nước, kéo theo những thiệt hại cho nền kinh tế và người đầu tư. Bởi theo cách quản lý hiện tại, Nhà nước chỉ cho phép nhập khẩu vàng với số lượng nhỏ; trong khi hạn ngạch xuất khẩu vàng lại khá thoải mái. Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp đã dùng thủ thuật hạ hàm lượng, trọng lượng vàng để hưởng thuế suất 0%, rồi xuất khẩu vàng ra nước ngoài với số lượng lớn. Hệ quả là cung và cầu về vàng mất cân đối, chỉ có lợi cho giới đầu cơ, gây thiệt hại cho nền kinh tế và người dân khi đầu tư vào vàng.

Hiện nay với một số biện pháp khá tích cực mà Nhà nước đang thực hiện, giá vàng trong nước đã có phần hạ nhiệt. Tuy nhiên, với cơ chế điều hành thị trường vàng hiện tại, vẫn còn khá nhiều bất cập cần giải quyết, nếu muốn bình ổn thị trường vàng trong nước về lâu về dài..

TS Phạm Minh Trí nêu rõ, tình hình thế giới đã tác động tiêu cực đến thị trường vàng của nhiều nước, nhưng có lẽ hiếm có nước nào chịu tác động và biến động phức tạp như Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không nên vội vàng đổ lỗi cho giới đầu cơ làm giá, hay người dân, DN đổ xô mua bán vàng theo tâm lý bầy đàn, sơ lạm phát hay kỳ vọng lạm phát mà nên "tiên trách kỷ, hậu trách nhân".

Bởi vì, có đầu cơ làm giá, hay đổ xô mua bán vàng, tâm lý sợ lạm phát hay kỳ vọng lạm phát là cái có sau. Cái có trước là những nhược điểm, yếu kém trong chính sách, quản lý của chúng ta. Ví như, quy định hạn chế, cấm đoán, xóa bỏ đối với mua bán vàng miếng và những quy định không phù hợp khác. Điều đó gây ra mất cân đối cung cầu, cắt khúc liên thông với thị trường vàng thế giới, hạn chế hoặc cho nhập khẩu vàng một cách nhỏ giọt trong khi cho phép xuất khẩu vàng dễ dàng hơn, hoặc khi vàng lên cơn sốt thì mới cấp quota nhập khẩu ít ỏi.

Cách làm như vậy, chúng ta đã tạo cơ hội vàng cho giới đầu cơ lợi dụng, làm giá, thao túng thị trường. Còn người dân chỉ biết xếp hàng, bất chấp mưa gió chạy theo cơn sốt với kẻ khóc, người cười. Và bản thân vàng, dù là nữ trang hay vàng miếng, thì bao đời vẫn như thế, không có tội tình gì đối với pháp luật và đời sống kinh tế.

Hiện ta chỉ muốn cắt ngọn vấn đề một cách giản đơn, nóng vội là chống đầu cơ, xóa bỏ đầu cơ mà không cần biết đầu cơ do đâu mà ra, là cái có sau, phát sinh khi mất cân đối cung cầu, thị trường bất ổn định.

Giới đầu cơ, làm giá chỉ có thể tác oai, tác quái thị trường vàng khi "đục nước, béo cò", chứ khi thị trường ổn định, bình thường, không có biến động thì đầu cơ không thể làm gì được.

Từ đó cho thấy, chúng ta phải ứng xử với thị trường vàng bằng chính sách thông minh, căn cơ nhằm bảo đảm thị trường được ổn định, quan hệ cung cầu vàng không mất cân đối, giá cả liên thông hợp lý với giá cả thế giới, không để phát sinh biến động giá cả, tạo cơ hội cho giới đầu cơ lợi dụng, thao túng thị trường.

Bởi vì, khi thị trường biến động phức tạp, lên cơn sốt thì mọi biện pháp mang tính hành chính chỉ có tác dụng rất hạn chế.

(Tamnhin.net)