Đó là cảnh báo của khoảng 400 chuyên gia thuộc Tổ chức Văn hóa, khoa học và giáo dục LHQ (UNESCO) hôm 15-4 tại Paris. AFP trích lời chuyên gia về đa dạng sinh học Salvatore Arico của UNESCO: "Nông nghiệp hiện đại cần thay đổi triệt để nếu cộng đồng quốc tế muốn đối phó với tình trạng dân số tăng và khí hậu thay đổi".
Bản báo cáo mới đưa ra một cái nhìn toàn diện về cách thức sản xuất nông nghiệp để giảm bớt phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch, kêu gọi các nước nên sử dụng các kỹ thuật trồng tự nhiên và thân thiện với môi sinh như dùng các nguồn tài nguyên có sẵn như phân tự nhiên, hạt giống truyền thống, nhấn mạnh đến việc bảo vệ nguồn đất và nước. Ngoài ra, việc luân phiên trồng rau, quả xen kẽ cũng được khuyến cáo.
Theo BBC, giá lúa mì đã tăng 130%, gạo tăng khoảng 80% từ tháng 3-2007 và hiện chi phí cho lương thực đang chiếm 60-80% chi phí tiêu dùng ở các nước đang phát triển. Bản báo cáo, thực hiện trong ba năm, nhấn mạnh nông nghiệp hiện đại đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong sản lượng lương thực nhưng những thành tựu này hiện không được phân phối đồng đều và công nhân, nông dân sản xuất nhỏ là những người thiệt thòi.
Thời tiết xấu, nhiên liệu tăng cùng nhu cầu ngày càng nhiều từ châu Á được đánh giá là nguyên nhân chính gây tăng giá lương thực. Ngoài ra, việc các nước phương Tây thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học làm từ ngũ cốc, đặc biệt là ngô, để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cũng là một nguyên nhân quan trọng. Mỹ hiện đang bị chỉ trích gay gắt vì thúc giục các nước sử dụng nhiên liệu sinh học, đặc biệt ethanol sản xuất từ ngô, điều khiến giá ngô tăng và sản lượng ngũ cốc nói chung giảm. EU cũng đang có kế hoạch tăng tỉ lệ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu sinh học lên 10% vào năm 2020 nhằm cắt giảm lượng nhiên liệu hóa thạch sử dụng.
Một số nước như Anh, Pháp hiện đã kêu gọi xem xét lại về nhiên liệu sinh học. Bộ trưởng nông nghiệp Pháp Michel Barnier tuyên bố nên "ưu tiên tuyệt đối" cho sản xuất lương thực. Một số khác hiện chỉ trích hệ thống trợ cấp của châu Âu nhằm giúp đỡ nông dân của họ nhưng đồng thời làm giảm cơ hội cho nông dân sản xuất lương thực ở châu Phi. Bản báo cáo cũng cảnh báo tình trạng cạn kiệt nước ở phần lớn khu vực Tây, Trung Á và khu vực châu Phi khiến diện tích đất không thể canh tác đang ngày càng tăng.

Nguồn: Internet