Ông Daniel Toole, giám đốc khu vực Nam Á của UNICEF nói: Giá lương thực tăng thực sự là một cơn bão. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em gia tăng tại Ấn Độ, nơi mà tình trạng này đã rất nghiêm trọng.
Theo báo cáo mới nhất của UNICEF, xét theo chỉ số suy dinh dưỡng ở trẻ em thì tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng tại Ấn Độ là tồi tệ nhất ở khu vực Nam Á: 48% trẻ em dưới năm tuổi ở Ấn Độ bị còi, so với 43% ở Bangladesh và 37% ở Pakistan.
Theo UNICEF, 30% trẻ sơ sinh Ấn Độ bị thiếu cân, so với 22% tại Bangladesh và 19% tại Pakistan. Số trẻ sơ sinh thiếu cân tại Ấn Độ chiếm 40% tổng số trẻ sơ sinh thiếu cân trên thế giới.
Ông Daniel Toole nói: Nhiều người dân Ấn Độ đã phải giảm lượng bữa ăn mỗi ngày. Nhiều hộ gia đình trước đây ăn ba bữa thì nay giảm xuống còn hai, nếu hai bữa thì nay giảm xuống còn một. Chất lượng bữa ăn cũng giảm. Thịt rất đắt đỏ và nhiều gia đình không đủ tiền mua nữa. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới dinh dưỡng của trẻ.
Theo UNICEF, hiện có ba trăm triệu người dân Ấn Độ có mức thu nhập dưới 1 USD/ngày.
Ông Toole cho rằng giá lương thực sẽ vẫn cao trong ít nhất hai năm tới và trong thời gian đó, trẻ em sẽ chịu gánh nặng chính.
Theo UNICEF, Ấn Độ đã quá tập trung vào phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ, trong khi chỉ có 2,2% ngân sách được dành cho nông nghiệp.
Theo UNICEF tình trạng này cũng phổ biến ở các nước Nam Á. Nepal gần như không hề quan tâm phát triển hệ thống tưới tiêu.
UNICEF cho rằng, để giải quyết tình trạng thiếu lương thực, Ấn Độ cần đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp, phải lập các kho dự trữ lương thực chiến lược.
Vietstock

Nguồn: Internet