Theo giám đốc điều hành WB, Juan Jose Daboub, trên thực tế, giá lương thực, nhiên liệu tăng suốt hai năm qua đã đẩy khoảng 100 triệu người trở lại cảnh đói nghèo, với mức sống dưới 2 USD/ngày.
Giá lương thực tăng trung bình 2,5 lần hiện tại so với hồi đầu năm 2002 và không có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt ở giá gạo - nguồn lương thực chính của châu Á, gần đây đã phá vỡ ngưỡng trên 1.000 USD/tấn.
Giá lương thực tăng vọt càng khiến lớp người nghèo thêm khốn khó vì họ dành phần lớn thu nhập để nuôi sống chính mình. Ông Daboub cho rằng, nguyên nhân giá gạo tăng do nhu cầu, giá nhiên liệu tăng vọt, cắt giảm chi phí cho nông nghiệp, tăng cường sản xuất nhiên liệu sinh học, cơ chế trợ cấp thiên lệch và các rào cản thương mại, đầu cơ tài chính và thời tiết khắc nghiệt.
"Chúng tôi tin rằng, hiện tượng đang tồn tại, không chỉ vài tuần, vài tháng mà sẽ là hai đến ba năm’’, giám đốc WB nói trong một bài thuyết trình về khủng hoảng lương thực toàn cầu tại một trường đại học ở Singapore.
"Nếu giá lương thực tăng gấp đôi trong hai, ba năm tới, chúng ta sẽ trở lại thời điểm cách đây bảy năm’’, ông cảnh báo. Giá lương thực leo thang đã gây ra nhiều vụ bạo động ở Haiti, Ai Cập và Somalia.
Ông Daboub bác bỏ kêu gọi thành lập một nhóm xuất khẩu gạo ở châu Á nhằm ổn định giá. Ông cho rằng, ổn định gái có thể mang lại lợi nhuận trước mắt nhưng sẽ dẫn tới việc phân phối sai nguồn tài nguyên trong dài hạn.
Giám đốc WB cho hay, hiện ngân hàng này đang thảo luận với bốn nhà sản xuất gạo chính gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Thái Lan - nhằm thuyết phục họ tham gia kế hoạch cung cấp thêm 1 triệu tấn lương thực để giảm bớt áp lực giá cho thị trường toàn cầu.
Theo ông, chỉ 7% (khoảng 30 triệu tấn) sản lượng gạo toàn cầu hiện nay được xuất khẩu.
Khi được hỏi về vai trò thay đổi gen cây trồng để đối phó với khủng hoảng lương thực toàn cầu, ông nói, ’’đó không phải là giải pháp hấp dẫn’’. "Tôi nghĩ rằng, hành động phối hợp là cần thiết để đưa ra biện pháp dài hạn hơn nhằm gia tăng sản lượng lương thực toàn cầu’’.
Ông Daboub nhấn mạnh, WB đang theo đuổi chính sách lương thực toàn cầu mới, bao gồm các kế hoạch đảm bảo an ninh lương thực, hỗ trợ khẩn cấp cho người nghèo trong ngắn hạn và các chính sách dài hạn thúc đẩy sản lượng lương thực.
Vietstock

Nguồn: Internet