Trong đó, theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam, giá trị XK sang Mỹ tăng nhẹ 8,8%; XK sang Trung Quốc - HongKong tăng mạnh nhất 45,9%, XK sang Canada cũng tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, giá trị XK tại EU giảm mạnh 15,8%; Mexico giảm 21,2% và sang Colombia giảm 8,4%.
Ngay từ đầu năm 2015, sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả thuế chống bán phá giá lần thứ 10 (POR10) với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu (NK) từ Việt Nam, với mức thuế gần 1 USD/kg, giá trị XK cá tra sang thị trường này đã giảm mạnh tới 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo đà, tháng 2/2015, giá trị XK sang Mỹ giảm tiếp 19,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong hoàn cảnh chịu mức thuế cao, cá tra Việt Nam lại không thể cạnh tranh nổi với cá rô phi tại thị trường Mỹ về nhu cầu và giá cả. Đồng USD tăng mạnh khiến các nhà NK dè dặt mua hàng và đòi giảm giá bán, giá XK trung bình cá tra trong quý I/2015 giảm khoảng 5 cent so với cùng kỳ năm trước.
Những khó khăn về thị trường XK lớn nhất Mỹ, chiếm tới 22,2% tổng XK là một nguyên nhân lớn kéo theo giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm mạnh. Kể từ cuối tháng 2/2015, giá cá tra nguyên liệu giảm dần trung bình từ 300-500 đồng/tuần. Tính đến cuối tháng 5/2015, giá cá tra dao động ở mức 20.000 - 22.500 đồng/kg. Đây là mức thấp nhất kể từ đầu năm nay.
Tính đến nửa đầu tháng 5/2015, giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hongkong đạt trên 48 triệu USD, tăng mạnh nhất trong top 10 thị trường XK hàng đầu của Việt Nam là 45,9% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng liên tục tại thị trường này trong 4 tháng liên tiếp kể từ đầu năm làm thay đổi đáng kể XK cá tra trong thời gian này. Tính đến nay, Trung Quốc là thị trường XK lớn thứ 4 của cá tra Việt Nam (sau Mỹ, EU, ASEAN). Từ tháng 1-4/2015, giá trị XK cá tra sang thị trường này tăng từ 13,8-95,2% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị XK cá tra sang thị trường lớn thứ 2- EU giảm 15,8% và có khả năng sẽ tiếp tục chìm trong tăng trưởng âm trong nhiều tháng tới khiến DN XK sang thị trường này không nhiều mong đợi. Trong đó, giá trị XK sang thị trường Hà Lan giảm 4% (tính đến nửa đầu tháng 5/2015), sang Tây Ban Nha giảm tới 46,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì theo thống kê của ITC, quý I/2015, tổng NK cá da trơn và cá tra của cả khối (27 nước) giảm 33% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, Tây Ban Nha giảm tới 52%, Hà Lan giảm 44%, Đức, Italy giảm 43%, Bỉ và Ba Lan cũng giảm từ 32-38% so với cùng kỳ năm 2014.
Cho đến nay, nguyên nhân chính khiến cho XK cá tra sang thị trường EU chính là việc chủ động giảm NK của các khách hàng tại EU. Đồng EUR giảm mạnh so với USD là một khó khăn đối với các nhà NK, khách hàng liên tục đòi hạ giá bán.
Thị trường XK khó khăn trong khi “nút thắt” bởi các quy định về đăng ký XK, tỷ lệ mạ băng trong Nghị định số 36/2014/NĐ-CP của Chính Phủ chưa được tháo gỡ. Năm 2015, tổng giá trị XK cá tra có thể chỉ đạt khoảng 1,7 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2014. 

Minh Phương
Theo VASEP