Năm 2011, Nghị định về kinh doanh, xuất khẩu gạo sẽ có hiệu lực. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài nếu đủ điều kiện sẽ được tham gia vào lĩnh vực này.
Xuất khẩu 6 triệu tấn gạo
Năm 2010 khép lại với mức xuất khẩu gạo kỷ lục trong suốt hơn 20 năm Việt Nam tham gia lĩnh vực này, xấp xỉ 6,8 triệu tấn, thu về gần 3 tỉ USD. Năm 2011, dự báo sẽ tiếp tục là năm có nhiều thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu gạo. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không phải ít.
Nhu cầu mua gạo năm 2011 dự báo vẫn ở mức cao. Indonesia trong 2 năm 2008 và 2009 đã không nhập khẩu gạo của Việt Nam, nhưng năm 2010 và 2011 sẽ nhập khẩu 1,5 triệu tấn/năm và dự kiến sẽ còn cao hơn. Thị trường Bangladesh cũng đã quay trở lại. Ngay từ những ngày đầu năm 2011, đã ký xuất khẩu sang thị trường này 250.000 tấn, giao trong tháng 1 và tháng 2. Còn thị trường truyền thống Philippines dự kiến sẽ nhập khẩu từ 1,5-2 triệu tấn, Việt Nam có thể giành được 1 triệu tấn. Ngoài ra, còn nhiều thị trường nhập khẩu lúa gạo khác, hứa hẹn một năm xuất khẩu gạo sôi động.
Ông Trịnh Văn Tiến, chuyên gia phân tích ngành hàng lúa gạo (Viện Chính sách chiến lược phát triển nông thôn) nhận định, xuất khẩu gạo năm 2011 trên thế giới nhìn chung sẽ tương tự năm 2010. Tuy nhiên, nhóm các thị trường tiêu dùng lớn như Trung Quốc, Pakistan, Indonesia, Philippines đang đẩy mạnh việc tự cân đối nhu cầu trong nước, do đó thị trường thế giới sẽ chỉ có đột biến khi bất ổn về thiên tai.
Đối với thị trường gạo trong nước, những yếu tố về thời tiết trong vụ đông xuân 2011 có thể gây áp lực lên nguồn cung gạo ở thời điểm đầu năm. Theo ông Tiến, việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nâng mức giá gạo xuất khẩu cho thấy khối lượng gạo dành cho xuất khẩu sẽ bị co hẹp, vì thế giá lúa gạo trong nước sẽ duy trì ở mức cao nhưng đầu năm không có đột biến lớn. Năm 2011, Việt Nam dự kiến xuất khẩu gạo ở mức 6 triệu tấn.
Cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn
Sự kiện đáng chú ý nhất trong hoạt động xuất khẩu gạo năm nay là việc mở cửa thị trường kinh doanh gạo cho các đối tượng tham gia, kể cả doanh nghiệp nước ngoài nếu đủ điều kiện. Ông Phong dự báo, năm nay, theo lộ trình cam kết WTO, Việt Nam mở cửa thị trường gạo, công ty nước ngoài có thể vào tham gia kinh doanh và trực tiếp xuất khẩu, thay vì phải liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam như trước. Do đó, sự cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo sẽ ngày càng tăng và khốc liệt.
Còn theo ông Tiến, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường gạo trong nước sẽ gây những bất lợi nhất định cho các doanh nghiệp Việt Nam. Với lợi thế về vốn, công nghệ và mạng lưới tiêu thụ toàn cầu, họ có lợi thế cạnh tranh hơn. Trong khi, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực hiện được chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường. “Nhìn lại thị trường xuất khẩu gạo trong 3 năm trở lại đây, doanh nghiệp trong nước chủ yếu xuất khẩu gạo theo thị trường tập trung với giá thấp; những thị trường cao cấp như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... khối lượng hết sức khiêm tốn. Đây chính là thách thức lớn vì phân khúc thị trường gạo cấp thấp sẽ không có tiềm năng trong dài hạn”, ông Tiến dự báo.
Thêm vào đó, hầu hết các doanh nghiệp trong nước chỉ thực hiện chức năng thu mua xuất khẩu và bình ổn thị trường, rất ít tự tổ chức vùng sản xuất hay tạo ra các mối quan hệ, liên kết để có gạo chất lượng cao và có thương hiệu. Thay vào đó, cạnh tranh không bình đẳng trong thu mua, giành giật hợp đồng xuất khẩu... Những tồn tại này nếu không sớm được khắc phục thì cơ hội sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
 

Nguồn: Tin tham khảo