Xuất khẩu gỗ và sản phẩm tăng 23,5%
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, trong tháng 5/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,25 tỷ USD, giảm 8% so với tháng 4/2024, nhưng tăng 18,1% so với tháng 5/2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước tính đạt 812 triệu USD, giảm 13,5% so với tháng 4/2024, nhưng tăng 5,9% so với tháng 5/2023.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 6,1 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,16 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Thị trường gỗ đang phục hồi trở lại, hoạt động xuất khẩu hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đều tăng trưởng tích cực trong 4 tháng đầu năm 2024. Trong đó, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 3 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 61,4% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Ngoài mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, còn một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ khác xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2024 như: Dăm gỗ đạt 851,4 triệu USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là gỗ, ván và ván sàn đạt 621,4 triệu USD, tăng 23,9%; gỗ viên nén đạt 233,3 triệu USD, tăng 9,8%...
Vẫn còn nhiều khoảng tối
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, tăng trưởng xuất khẩu gỗ mới chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp Việt Nam đơn hàng khá yếu, công suất hoạt động của doanh nghiệp ngành gỗ trong nước chỉ đạt khoảng 40-70%. Đơn hàng ngắn, giá nguyên liệu tăng cao, trong khi đó, các đối tác khách hàng lại đặt vấn đề giảm giá. Việc này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu đối diện với khó khăn kép.
“Gỗ sồi trước đây giá mua vào chỉ 480 USD/m3 thì nay lên 630 USD/m3, tăng hơn 20%. Gỗ thông cũng tăng 40- 50 USD/m3. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chịu chi phí vận chuyển tăng”, ông Nguyễn Liêm chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Liêm, nhiều mặt hàng làm thiết kế rất đẹp, nhưng đôi khi các nhà mua hàng đặt vấn đề cái chân hay cái vai sản phẩm nhỏ đi 1 chút, điều này đồng nghĩa với tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm chi phí vận chuyển,… để hạ giá thành.
Tuy nhiên, với đối ngành hàng gỗ, đôi khi việc này còn tốn thêm chi phí. Bởi hàng làm xuất khẩu đi Hoa Kỳ chủ yếu hàng được sản xuất theo cả dây truyền công nghệ. Nguyên liệu mua đầu vào đã theo quy cách, với yêu cầu này, doanh nghiệp lại tốn thêm công để xử lý.
Không chỉ ngành gỗ nội thất, ngành ván ép cũng đang đối diện với khó khăn tại thị trường Hoa Kỳ. Ông Nguyễn Văn Đông - Thư ký chi hội Gỗ dán Việt Nam – thông tin, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu ván ép vào thị trường Hoa Kỳ, đa phần gặp khó, do giá thành xuống quá thấp. Trước đây, doanh nghiệp bán hàng vào thị trường này khoảng 380 – 400 USD/m3 thì này xuống còn 305 USD/m3.
Theo các doanh nghiệp trong ngành, sức mua yếu khiến chính các nhà bán hàng tại thị trường Hoa Kỳ cạnh tranh nhau mua và bán, để có giá tốt nhất để bán. Do đó, họ yêu cầu các nhà bán hàng phải giảm giá.
Hoa Kỳ đang chuẩn bị bầu cử tổng thống. Mọi việc vẫn đang chưa rõ ràng. Lãi suất tại thị trường này vẫn chưa giảm. Những nhà mua hàng sỉ (nhập khẩu) nếu có tồn kho họ sẽ phải vay với lãi suất 7,5 - 8%, con số này cao hơn Việt Nam. Đây cũng là lý do họ không đặt hàng với số lượng lớn. Trong kinh doanh, không doanh nghiệp nào dám vay, dám mượn. Với các doanh nghiệp nhập khẩu, tồn kho giảm bao nhiêu thì họ nhập hàng bấy nhiêu, việc này gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, bởi bị áp lực thời gian giao hàng, doanh nghiệp phải làm tăng ca và nhiều chi phí phát sinh khác khiến doanh nghiệp thu hẹp lợi nhuận.
Ông Nguyễn Liêm cho hay, trong bối cảnh việc quay trở lại thị trường trong nước cũng không dễ, do thị trường bất động sản đứng im, thị trường gỗ công nghiệp cung cấp cho chung cư cũng chưa có cửa sáng. Do đó, trong bối cảnh khó khăn chung, giải pháp mà doanh nghiệp đưa ra đó là cố gắng duy trì đơn hàng và tìm kiếm đơn hàng mới, tăng được chút nào tốt chút đấy.