Sự vắng mặt của Ấn Độ trên thị trường đường thế giới có thể sẽ làm tăng giá chuẩn ở thị trường New York và London, nơi đường vốn đang giao dịch quanh mức cao nhất trong nhiều năm, gây lo ngại nguy cơ gia tăng lạm phát trên thị trường thực phẩm toàn cầu.
Một nguồn tin của Chính phủ Ấn Độ cho biết, trọng tâm chính của New Delhi là đáp ứng nhu cầu đường trong nước và sản xuất ethanol từ mía dư thừa. Trong niên vụ sắp tới, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ không còn đủ đường để phân bổ cho hạn ngạch xuất khẩu.
Ấn Độ chỉ cho phép các nhà máy xuất khẩu 6,1 triệu tấn đường trong niên vụ hiện tại 2022/23 tính đến ngày 30/9, sau khi cho phép các doanh nghiệp bán kỷ lục 11,1 triệu tấn trong niên vụ trước. Năm 2016, Ấn Độ đã áp thuế 20% đối với xuất khẩu đường để hạn chế doanh số bán ra nước ngoài.

Xuất khẩu đường của Ấn Độ (Đơn vị tính: triệu tấn)

Năm tiếp thị kéo dài từ tháng 10 – tháng 9

Nguồn: Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA)

Theo cơ quan khí tượng Ấn Độ, mùa mưa trong năm nay tại các khu vực trồng mía hàng đầu của bang miền Tây Maharashtra và bang miền Nam Karnataka - chiếm hơn một nửa tổng sản lượng đường của Ấn Độ - đã thấp hơn tới 50% so với mức trung bình.
Những cơn mưa rải rác sẽ làm giảm sản lượng đường trong niên vụ 2023/24 và thậm chí làm giảm diện tích trồng trọt trong niên vụ 2024/25. Sản lượng đường của Ấn Độ trong niên vụ 2023/24 có thể giảm 3,3% xuống 31,7 triệu tấn.
Tuần này, giá đường nội địa của Ấn Độ đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần hai năm, khiến Chính phủ nước này đã cấp phép thêm 200.000 tấn cho các nhà máy bán ra trong tháng 8/2023.
Một nguồn tin chính phủ cho rằng lạm phát lương thực là một mối lo ngại. Suốt hai năm qua, các cơ quan chức năng đã cho phép các nhà máy xuất khẩu lượng đường lớn, nhưng phải đảm bảo điều kiện đủ nguồn cung và giá cả ổn định. Việc giá đường tăng trong thời gian gần đây đã ngăn chặn mọi khả năng xuất khẩu mặt hàng này.
Tháng 7/2023, lạm phát bán lẻ ở Ấn Độ là 7,44% - mức cao nhất trong 15 tháng và lạm phát lương thực là 11,5% - mức cao nhất trong hơn ba năm.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters