Nhu cầu hạt điều đang tăng
Sau khi giảm cả về lượng lẫn giá trị xuất khẩu trong năm 2022, đến năm 2023, xuất khẩu hạt điều đã tăng trưởng trở lại và lần đầu tiên vượt mốc 600 nghìn tấn. Sự khởi sắc của xuất khẩu hạt điều được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2024.
Ngay trong tháng đầu tiên của năm, xuất khẩu hạt điều đã tăng trưởng tốt. Thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho thấy, trong tháng 1, các doanh nghiệp ngành điều xuất khẩu gần 64 nghìn tấn điều nhân, trị giá 339 triệu USD, tăng 137% về lượng và 125% về giá trị so với cùng kỳ 2023.
Ông Tạ Quang Huyên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Sơn 1 nhận định, tiêu thụ hạt điều trong năm nay vẫn sẽ tốt. Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu vẫn đang có xu hướng tăng lên trong những năm qua, kể cả khi xuất khẩu bất ngờ giảm đáng kể trong năm 2022. Bởi thực tế việc xuất khẩu giảm trong năm 2022 không phải do nhu cầu tiêu thụ giảm mà do các nhà nhập khẩu ít xây dựng lượng hàng tồn kho lớn bởi tình trạng lạm phát cao, xung đột Nga – Ukraina bùng nổ và bản thân các nhà nhập khẩu đã mua rất nhiều hạt điều trong các năm 2020 và 2021 để dự trữ phòng nguy cơ đứt gãy nguồn cung vì dịch bệnh Covid-19. Chính nhờ nhu cầu vẫn tăng mà sang năm 2023, xuất khẩu hạt điều đã tăng mạnh trở lại và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024.
Phát biểu tại Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần thứ 13, diễn ra tại Quảng Bình từ 26-28/2, ông Michael Waring, Chủ tịch Hội đồng Hạt và Quả khô Quốc tế (INC) cũng cho rằng, ngoại trừ việc suy giảm trong năm 2022, nhìn chung nhu cầu tiêu thụ hạt các loại hạt (trong đó có hạt điều) vẫn đang có xu hướng tăng trên toàn cầu.
Bà Chen Ying, Tổng Thư ký Hiệp hội hạt Trung Quốc (CNA), cho biết, nhu cầu nhập khẩu các loại hạt đang có xu hướng tăng lên từ năm 2019 đến nay, kể cả khi nền kinh tế nước này vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau dịch Covid-19. Trong các loại hạt đang được tiêu thụ nhiều ở Trung Quốc, hạt điều và hạt dẻ cười là hai loại hạt mà thị trường này phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Riêng với hạt điều, 70% lượng hàng đến từ Việt Nam.
Tuy thị trường đang diễn biến thuận lợi, nhưng ngành điều Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024. Trước hết là tình trạng giá điều nhân xuất khẩu vẫn chưa tốt, thậm chí có xu hướng giảm đầu năm nay. Trong tháng 1, giá điều nhân xuất khẩu đạt bình quân 5.311 USD/tấn, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã dẫn tới tuy cùng tăng trưởng, nhưng mức tăng trưởng về kim ngạch thấp hơn so với tăng trưởng về lượng xuất khẩu.
Giá điều thô ở mức chưa phù hợp với giá điều nhân, cũng đang là mối lo lớn với ngành điều. Nguyên nhân trước hết của tình trạng này là do một số sản xuất điều thô ở châu Phi, do muốn phát triển chế biến trong nước, đã quy định giá xuất khẩu tối thiểu đối với điều thô, áp thuế và nhiều loại phí đối với điều thô xuất khẩu. Điều này khiến cho nhiều nhà xuất khẩu không thể giảm giá bán điều thô cho phù hợp với giá điều nhân trên thị trường thế giới.
Sự phát triển chế biến ở nhiều nước xuất khẩu điều thô, cũng đang từng bước tạo áp lực cho ngành điều Việt Nam, từ việc ngày càng khó mua điều thô hơn đến sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường điều nhân toàn cầu.
Ông Adama Coulibaly, Tổng Giám đốc Hội đồng Bông và Điều Bờ Biển Ngà, cho hay, nước này đang đẩy mạnh phát triển chế biến điều với mục tiêu sẽ chế biến được 500-600 nghìn tấn điều thô/năm, tương đương với gần một nửa sản lượng điều thô. Còn theo ông An Dara, Chủ tịch Liên đoàn Điều Campuchia, hiện mới chỉ có khoảng 5% lượng điều thô của Campuchia được chế biến ở trong nước. Campuchia đang thu hút các nhà đầu tư để nâng tỷ lệ điều thô được chế biến.
Ông Adama Coulibaly, Tổng Giám đốc Hội đồng Bông và Điều Bờ Biển Ngà
Giá điều nhân giảm trên toàn cầu từ năm 2018 đến nay, đã khiến cho giá điều thô giảm xuống nhiều. Tuy nhiên, giá hạt điều bán lẻ tới người tiêu dùng vẫn đang ở mức cao. Đây là một nghịch lý lớn trong ngành điều toàn cầu. Nếu tình trạng còn tiếp tục kéo dài, các nhà chế biến sẽ đóng cửa do không có lợi nhuận, những người sản xuất điều thô cũng sẽ từ bỏ cây trồng này nếu không có lời. Vì vậy, cần phải có tiếng nói chung cho ngành điều toàn cầu.
Tránh tái diễn chuyện tranh mua, tranh bán
Nhìn lại năm 2023, tuy xuất khẩu hạt điều tăng trưởng tốt cả về lượng và kim ngạch, nhưng đại đa số các doanh nghiệp ngành điều lại không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Nguyên nhân chính là do vào đầu vụ, nhiều nhà máy đã ồ ạt mua điều thô với giá cao do tiếp nhận các thông tin không đúng về mùa vụ, sản lượng từ các nhà môi giới, trong khi giá điều nhân lại liên tục giảm xuống (mà một trong những nguyên nhân quan trọng là nhiều nhà máy đua nhau bán ra do áp lực về tài chính).
Chính vì vậy, trong khi không phải lo lắng nhiều về thị trường trong năm 2024, các doanh nghiệp điều cần phải tránh được bài học thua lỗ của năm ngoái. Theo chia sẻ của một số thương nhân ngành điều, để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp không nên vội vàng mua điều thô dự trữ với khối lượng lớn ngay từ đầu vụ khi mà sản lượng điều năm nay được dự báo là khá dồi dào. Thay vào đó, doanh nghiệp cần bình tĩnh, đợi khi giá điều thô ở mức hợp lý mới tiến hành mua, và chỉ nên mua điều thô khi đã có hợp đồng xuất khẩu điều nhân để cân đối được giá thành.
Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Long Sơn, cho rằng, tổng công suất các nhà máy chế biến điều Việt Nam hiện đã quá lớn. Do đó, các doanh nghiệp cần mạnh dạn cắt giảm công suất chế biến để giảm áp lực điều thô của từng nhà máy cũng như của cả ngành điều. Khi áp lực nhập khẩu điều thô giảm, sẽ khiến cho giá điều thô phải giảm xuống ở mức hợp lý hơn. Đồng thời, áp lực tài chính của các doanh nghiệp cũng sẽ giảm xuống, qua đó, giúp cho doanh nghiệp không phải ồ ạt bán điều nhân như trong năm qua. Điều này có thể góp phần làm cho giá điều nhân tăng trở lại.
Vinacas và ngành điều Bờ Biển Ngà ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần thứ 13. Ảnh: Thanh Sơn.
Theo Vinacas, dù chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng vẫn có những chỗ chưa “khớp” nhau, “lệch” nhau, khiến cho nhiều khâu trong chuỗi giá trị đang phải chịu những thiệt hại lớn. Do đó, Vinacas mong muốn Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần thứ 13 sẽ là dịp để các bên gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc, cũng ổn định lại chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas
Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần thứ 13 có mục tiêu là làm sao để toàn bộ chuỗi cung ứng hạt điều toàn cầu được vận hành một cách suôn sẻ, hài hòa được lợi ích của tất cả các bên, từ nông dân trồng điều, nhà thương mại điều thô, các nhà chế biến, xuất khẩu điều nhân tới các nhà rang chiên, bán lẻ điều nhân .... Tất cả phải cùng thắng. Từ đó, duy trì được sự phát triển ổn định, bền vững của chuỗi cung ứng điều toàn cầu cho năm 2024 và những năm tiếp theo.