Chỉ số FFPI tháng 8/2021 tăng trở lại sau hai tháng giảm liên tiếp do mức tăng mạnh của giá đường, dầu thực vật và ngũ cốc. Chỉ số giá ngũ cốc tháng 8/2021 đạt trung bình 129,8 điểm, tăng 4,3 điểm (tức tăng 3,4%) so với tháng 7/2021 và tăng 30,8 điểm (31,1%) so với tháng 8/2020. Sản lượng lúa mì giảm ở một số nước xuất khẩu lớn đã đẩy giá lúa mì thế giới tăng 11,1 điểm (8,8%) so với tháng 7/2021 và tăng 41,5 điểm (43,5%) so với tháng 8/2020. Đối với các loại ngũ cốc khác, xu hướng giá trong tháng 8 diễn biến trái chiều, sản lượng lúa mạch giảm, đặc biệt là ở Canada và Hoa Kỳ và do ảnh hưởng của giá lúa mì tăng đã đẩy giá trị lúa mạch trên thế giới tăng 10,9 điểm (9%) so với tháng 7/2021, lên 34,7 điểm (35,6%) so với tháng 8/2020. Ngược lại, giá ngô giảm nhẹ 1,3 điểm (0,9%) do sản lượng của Argentina, EU và Ukraine tăng đã bù đắp cho việc giảm sản lượng ở Brazil và Hoa Kỳ. Giá hạt bo bo trong tháng 8 cũng giảm 3,9 điểm (2,5%) so với tháng 7/2021, nhưng vẫn tăng 45,5 điểm (43,3%) so với tháng 8/2020. Trong khi đó, giá gạo tiếp tục giảm do nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu cũng như do biến động tiền tệ.
Chỉ số giá dầu thực vật trong tháng 8/2021 đạt trung bình 165,7 điểm, tăng 10,3 điểm (hay 6,7%) so với mức thấp nhất trong 5 tháng đạt được trong tháng 7, chủ yếu do giá dầu cọ, hạt cải dầu và hạt hướng dương tăng. Trong tháng 8, giá dầu cọ thế giới đã tăng trở lại mức cao nhất trong lịch sử, chủ yếu do những lo ngại kéo dài về sản lượng giảm, dẫn đến lượng dự trữ ở Malaysia giảm. Trong khi đó, giá dầu hạt cải tăng do nhu cầu tại EU tăng, trong bối cảnh nguồn cung trên thế giới hạn hẹp. Giá dầu hướng dương ổn định sau khi hai tháng giảm liên tiếp, do lượng xuất khẩu hạn chế ở khu vực Biển Đen trước khi vụ thu hoạch 2021/22 được đưa ra thị trường.
Chỉ số giá sữa trong tháng 8 đạt trung bình 116 điểm, giảm nhẹ so với tháng 7/2021 nhưng vẫn tăng 13,9 điểm (13,6%) so với tháng 8/2020. Trong tháng 8, giá sữa bột giảm, do nhu cầu nhập khẩu trên thế giới giảm, trong khi nguồn cung tại Australia trong mùa vụ mới tăng. Ngược lại, giá pho mát tăng do nhu cầu tại châu Âu tăng trong khi nguồn cung giảm, tuy nhiên tại Australia giá giảm nhẹ do sản lượng tăng. Giá bơ cũng tăng nhẹ do nhu cầu nhập khẩu cao từ thị trường Đông Á.
Chỉ số giá thịt trong tháng 8 đạt trung bình 112,5 điểm, tăng nhẹ so với tháng 7 và tăng 20,3 điểm (22%) so với tháng 8/2020. Giá thịt bò và trứng tăng, chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu tăng chủ yếu từ Trung Quốc trong khi nguồn cung ở Australia giảm. Giá thịt gia cầm cũng tăng, do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh từ thị trường Đông Á và Trung Đông, trong khi sản xuất ở một số nước xuất khẩu lớn bị thu hẹp lại do chi phí đầu vào cao và thiếu lao động. Ngược lại, giá thịt lợn giảm do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục giảm và nhu cầu tại châu Âu giảm trong bối cảnh nguồn cung tăng nhẹ.
Chỉ số giá đường trong tháng 8 đạt trung bình 120,1 điểm, tăng 10,5 điểm (9,6%) so với tháng 7, đánh dấu mức tăng tháng thứ năm liên tiếp và là mức cao nhất kể từ tháng 2/2017 do lo ngại về sương giá gây thiệt hại cho vụ mía ở Brazil - nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, cộng thêm tác động xấu do thời tiết khô hạn kéo dài. Tuy nhiên, giá không tăng mạnh do bị ảnh hưởng bởi sự giá dầu thô giảm và sự suy yếu của đồng Real Brazil so với đồng USD. Dự báo, sản lượng tại Ấn Độ và EU tăng cũng góp phần hạn chế áp lực tăng giá đường thế giới.

FAO: Chỉ số giá lương thực thế giới tháng 8/2021 tăng

 

Nguồn: VITIC/FAO