Chỉ số giá ngũ cốc thế giới tháng 2/2024 đạt trung bình 113,8 điểm, giảm 6,1 điểm (giảm 5%) so với tháng 1/2024 và giảm tới 32,9 điểm (giảm 22,4%) so với tháng 2/2023. Giá tất cả các loại ngũ cốc chính đều giảm so với tháng 1/2024. Giá ngô xuất khẩu giảm nhiều nhất do kỳ vọng vào vụ thu hoạch bội thu ở Achentina và Brazil, cùng với mức giá rẻ do Ukraine đưa ra, đã gây áp lực lên thị trường. Giá lúa mì thế giới giảm chủ yếu do giá xuất khẩu giảm do xuất khẩu của Liên bang Nga tăng mạnh, gây áp lực giảm giá từ các nước xuất khẩu khác, đặc biệt là Liên minh châu Âu. Cùng với xu hướng đó, giá lúa mạch và hạt bo bo trên thế giới cũng giảm. Giá gạo thế giới tháng 2/2024 giảm 1,6% do ngoài lượng mua từ Indonesia, thì nhu cầu nhập khẩu mới nhìn chung vẫn chậm, trong khi vụ thu hoạch mới đã bắt đầu ở một số nước.
Chỉ số giá dầu thực vật thế giới tháng 2/2024 đạt trung bình 120,9 điểm, giảm 1,6 điểm (giảm 1,3%) so với tháng 1/2024 và giảm 15 điểm (giảm 11%) so với tháng 2/2023, chủ yếu do giá dầu đậu tương, dầu hướng dương và dầu hạt cải thế giới giảm, bù đắp cho giá dầu cọ tăng nhẹ. Giá dầu đậu tương giảm mạnh, chủ yếu do triển vọng sản lượng đậu tương dồi dào từ Nam Mỹ trong bối cảnh vụ thu hoạch thuận lợi. Trong khi đó, giá dầu hướng dương và hạt cải dầu toàn cầu giảm, do nguồn cung xuất khẩu toàn cầu dồi dào. Ngược lại, giá dầu cọ thế giới tăng nhẹ trong tháng 2, do sản lượng ở các nước sản xuất lớn ở Đông Nam Á giảm.
Chỉ số giá sữa thế giới tháng 2/2024 đạt trung bình 120 điểm, tăng 1,3 điểm (tăng 1,1%) so với tháng 1/2024, nhưng thấp hơn 18,6 điểm (giảm 13,4%) so với tháng 2/2023. Trong tháng 2/2024, giá bơ thế giới tăng mạnh nhất do nhu cầu nhập khẩu từ châu Á tăng và sản lượng sữa ở Australia giảm. Trong khi đó, giá sữa bột nguyên kem tiếp tục tăng nhẹ, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu tăng, đặc biệt là từ Trung Quốc, ngược lại giá tại Liên minh Châu Âu giảm. Giá sữa bột gầy vẫn ổn định do giá ở Australia tăng, được bù đắp bởi giá ở EU giảm do nhu cầu nhập khẩu từ khu vực này thấp hơn do chi phí vận chuyển cao và vận chuyển khó khăn do xung đột ở Biển Đỏ. Giá phô mai thế giới cũng tăng nhẹ do nhu cầu nhập khẩu của các nước châu Á tăng trong bối cảnh tồn kho ở Liên minh châu Âu giảm.
Chỉ số giá thịt thế giới tháng 2/2024 đạt trung bình 112,4 điểm, tăng 2 điểm (tăng 1,8%) so với tháng 1/2024, đảo ngược chuỗi 7 tháng giảm liên tiếp và thấp hơn 0,9 điểm (giảm 0,8%) so với tháng 2/2023. Giá thịt gia cầm tăng nhiều nhất, tiếp theo là thịt bò, chủ yếu do nhu cầu tăng từ các nước nhập khẩu hàng đầu. Giá thịt bò tăng là do nguồn cung từ Australia thấp hơn dự kiến, do mưa lớn làm gián đoạn việc vận chuyển gia súc từ các nước sản xuất lớn. Giá thịt lợn tăng nhẹ do nhu cầu từ Trung Quốc tăng, cùng với nhu cầu nội địa ở Tây Âu tăng trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt kéo dài. Ngược lại, giá thịt cừu thế giới giảm do tốc độ nhập khẩu của Trung Quốc chậm lại và sản lượng đạt kỷ lục sau khi đàn cừu tái đàn ở Australia.
Chỉ số giá đường thế giới tháng 2/2024 đạt trung bình 140,8 điểm, tăng 4,4 điểm (tăng 3,2%) so với tháng 1/2024, đánh dấu mức tăng tháng thứ hai liên tiếp và tăng 15,6 điểm (tăng 12,5%) so với tháng 2/2023. Những lo ngại về triển vọng vụ mùa tới ở Brazil sau thời gian mưa dưới mức trung bình nhiều ngày, hỗ trợ giá đường thế giới tăng. Hơn nữa, các dự báo cho thấy sản lượng đường ở Thái Lan và Ấn Độ - hai nước xuất khẩu hàng đầu có thể giảm, đã góp phần làm tăng giá. Tuy nhiên, lượng mưa được cải thiện vào cuối tháng 2/2024 tại các khu vực trồng trọt trọng điểm của Brazil và sự suy yếu của đồng Real Brazil so với đồng đô la Mỹ đã kiềm chế sự gia tăng giá đường thế giới.