Theo Cục Xuất nhập khẩu, đầu tháng 3, giá cà phê thế giới tăng mạnh do căng thẳng tại Biển Đỏ tiếp tục leo thang, làm tắc nghẽn tuyến hàng hải quốc tế từ Á sang Âu. Bên cạnh đó, dữ liệu báo cáo của ICE – Europe cho thấy tồn kho được Chứng nhận gần đây đã giảm xuống mức thấp lịch sử.
Tính đến ngày 8/3, tồn kho cà phê robusta do sàn London Chứng nhận và theo dõi cấp phát giảm 160 tấn (tương đương mức giảm 0,66%) so với tuần trước, xuống mức 24.030 tấn (khoảng 400.500 bao, bao 60 kg).
Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố trì hoãn cắt giảm lãi suất đến nửa sau năm nay đã khiến dòng vốn đầu cơ ồ ạt chảy vào các thị trường hàng hóa phái sinh.
Các quỹ và đầu cơ quay lại các thị trường cà phê kỳ hạn để tăng mua, bất chấp các yếu tố cơ bản không hỗ trợ với báo cáo xuất khẩu tăng của nhiều khu vực sản xuất trên thế giới, theo báo cáo Thương mại tháng 1 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO). Sức mua mạnh đã kích hoạt các lệnh mua tự động đẩy giá cà phê kỳ hạn thiết lập những mức cao kỷ lục mới.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê sẽ còn nhiều biến động đáng kể khi Brazil sắp bước vào vụ thu hoạch mới của năm nay.
Trên sàn giao dịch London, ngày 11/3, giá cà phê robusta giao kỳ hạn tháng 5 tăng 8,3% so với ngày 29/2 lên mức 3.297 USD/tấn.
Diễn biến giá cà phê robusta giao kỳ hạn trên sàn giao dịch London từ tháng 11/2023 đến nay (Đơn vị: USD/tấn, Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu, Sàn giao dịch London)
Trên sàn giao dịch New York, ngày 11/3, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 5 tăng 2% với ngày 29/2, lên mức 185,2 Uscent/lb.
Ở thị trường nội địa, giá cà phê robusta tại thị trường nội địa tăng mạnh so với cuối tháng 2 do tồn kho thấp và nhu cầu vẫn rất cao. Ngày 19/3, giá cà phê robusta tăng khoảng 10.000 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 29/2, lên mức cao kỷ lục mới 94.100 đồng/kg. Đây đồng thời là mức giá cao nhất từ trước đến nay.
H.Mĩ tổng hợp
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam (Vicofa), giá cà phê sẽ còn tiếp tục tăng thời gian tới. Ngay cả khi Indonesia và Brazil sắp bước vào vụ thu hoạch, đây không phải là yếu tố đủ mạnh giúp hạ nhiệt giá cà phê trong nước.
"Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng riêng Việt Nam mà ảnh hưởng các vùng trồng toàn cầu. Niên vụ 2023-2024 dự báo chịu tác động của El Nino lớn hơn so với các niên vụ trước. Những nước sản xuất cà phê lớn như Brazil, Indonesia, Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng do mất mùa, sản lượng niên vụ năm nay giảm khoảng 10-15%. Trong khi đó niên vụ 2023-2024 sản lượng cà phê Việt Nam dự báo giảm 10%", ông nói.
Trong bối cảnh nguồn cung thấp, tồn kho cũng thấp nhất trong nhiều năm, theo đánh giá của Chủ tịch Vicofa, năm nay tình trạng khan hàng có thể đến sớm hơn do các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng đang chờ hàng vụ mới để gom và giao cho khách hàng.
"Niên vụ 2022-2023, tồn kho vụ cũ chuyển qua vụ mới thấp nhất qua các năm. Nếu như các năm trước tồn kho thường khoảng 150.000 tấn, thì niên vụ vừa qua chỉ khoảng 50.000 tấn. Năm ngoái từ tháng 7, tháng 8 doanh nghiệp đã thiếu hàng xuất khẩu, họ phải đợi đến mùa vụ mới 2023-2024 để gom hàng", ông nói.