Giao dịch cà phê tại Việt Nam tuần qua vẫn yếu do thiếu nguồn cung. Xuất khẩu cà phê trong 11 tháng đầu vụ 2020/21 ước đạt 1,3 triệu tấn, giảm 1,51 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.
Thế giới sắp bước sang niên vụ cà phê mới 2021/22, và cà phê Việt Nam cũng sắp vào mùa thu hoạch.
Cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ được chào ở mức trừ lùi 280 USD/tấn so với hợp đồng cà phê kỳ hạn tháng 11 ở London, một tuần trước mức trừ lùi là 270 – 280 USD/tấn.
Tại Indonesia nguồn cung đang giảm dần vào cuối vụ thu hoạch. Cà phê robusta tại tỉnh Lampung thuộc Sumatra được chào ở mức trừ lùi 280 – 300 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 và 12, tương tự như mức trừ lùi với hợp đồng kỳ hạn tháng 10 và tháng 11 một tuần trước.
Trên thị trường thế giới, kết thúc tuần 38, giá hai sàn giao dịch London và New York đồng loạt tăng giá. Giá robusta kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn London tăng 0,09% so với phiên trước đó, chốt ở 2.148 USD/tấn. Còn giá arabica giao kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn New York cũng tăng 1,97% lên 194,35 US cent/lb. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, diễn biến hai sàn giao dịch này lại tăng giảm trái chiều, với robusta giảm 0,14% còn arabica tăng 5,9%.
Kết thúc phiên cuối tuần, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn BMF, Brazil giao dịch ở mức 233 US cent/lb.
Năm 2022 sắp tới là năm sẽ cho năng suất thấp theo chu kỳ hai năm một, do đó, Brazil sẽ đối mặt với niên vụ cà phê có sản lượng sụt giảm. Cộng với thông tin thời tiết về lượng mưa quá ít tại vành đai cà phê Brazil chưa thể bù đắp lại thiệt hại của sương giá và hạn hán kéo dài khiến cây cà phê bị suy kiệt.
Theo IBGE, vụ cà phê 2021 của Brazil đã thu hoạch xong với sản lượng ước đạt 48,9 triệu bao (loại 60kg), giảm 21,2% so với vụ 2020.
Các tháng cuối vụ 2021/22 có thể sẽ không còn cà phê dự trữ và rất có thể Brazil sẽ phải nhập khẩu cà phê từ các nước sản xuất khác, theo dự báo của Cecafe.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters