Theo Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư - Luhut Pandjaitan, các nhà xuất khẩu dầu cọ đã tích luỹ hạn ngạch xuất khẩu lớn hồi năm ngoái và hiện tại họ có rất ít động lực để cung cấp cho thị trường trong nước.
Indonesia cấp phép xuất khẩu cho các công ty dầu cọ thực hiện nghĩa vụ đối với thị trường nội địa, theo chính sách DMO. Chính sách này hiện cho phép khối lượng xuất khẩu gấp 6 lần lượng bán ra trong nước.
Bộ trưởng Luhut Pandjaitan cho biết, các nhà xuất khẩu có thể sử dụng các quyền xuất khẩu đó sau khi tình hình lắng xuống.
Theo một quan chức khác - Firman Hidayat, khoảng 1/3 hạn ngạch xuất khẩu hiện có thể được sử dụng ngay bây giờ, và phần còn lại có thể được sử dụng sau ngày 1/5. Vào cuối tháng 1/2023, các nhà xuất khẩu đã giữ giấy phép xuất khẩu trị giá khoảng 5,9 triệu tấn. Và họ có thể tăng hạn ngạch xuất khẩu khi cung cấp nhiều hơn cho thị trường nội địa.
Tháng trước, Bộ Thương mại cho biết các công ty dầu cọ đã được chỉ thị tăng nguồn cung trong nước lên 450.000 tấn mỗi tháng cho đến tháng 4, từ mức 300.000 tấn mỗi tháng trước đó.
Trước lễ Ramadan của người Hồi giáo và lễ Eid al-Fitr diễn ra vào tháng 4 hàng năm, giá lương thực sẽ thường tăng lên. Giá dầu cọ Malaysia đã giảm hơn 40% kể từ khi đạt mức cao nhất vào năm ngoái. Trong khi đó, Indonesia đã bắt đầu lại việc áp thuế xuất khẩu vào tháng 11.
Làm náo loạn thị trường dầu ăn toàn cầu, Indonesia năm ngoái đã cấm xuất khẩu dầu cọ được sử dụng trong mọi thứ từ bơ thực vật đến mỹ phẩm và nhiên liệu trong ba tuần do giá dầu ăn tăng vọt. Nhưng kể từ đó, giá dầu cọ đã giảm mạnh trở lại ổn định ở mức thấp hơn do triển vọng hiện tại không mấy chắc chắn với giá năng lượng suy yếu và lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu.
Sahat Sinaga, Chủ tịch Hội đồng Dầu cọ Indonesia, cho rằng tình trạng khan hiếm nguồn cung tại thị trường nội địa là một tình huống khó khăn, mọi người phải cùng nhau hợp tác và các nhà phân phối không nên lợi dụng tình hình để kiếm lợi.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters