Đó là nhận định của Chủ tịch Hợp tác xã các chợ bán buôn gạo Cipinang (Cipinang Rice Wholesale Market Cooperative), ông Zulkifli Rasyid. Theo ông, điều kiện thời tiết không ổn định sẽ khiến thời gian thu hoạch lúa trở nên không chắc chắn.
Gạo cao cấp được bán tại các cửa hàng bán lẻ hiện đại có dạng gói 5 kg, với giá bán lẻ là 69.500 Rp hoặc 13.900 Rp/kg. Việc không thể đáp ứng nhu cầu gạo do sản xuất giảm có thể được giải quyết bằng cách nhập khẩu gạo. Các cơ quan chức năng khẳng định nguồn cung gạo nhập khẩu có thể đáp ứng nhu cầu gạo trong nước, qua đó làm giảm sự tăng vọt của giá lương thực trên thị trường trong nước.
Báo cáo từ một số thương nhân cho thấy giá gạo ở khu vực phía Tây đã đạt 18.000 Rp/kg đối với loại gạo chất lượng cao. Trong khi đó, ở khu vực phía đông, giá đạt 21.000 Rp/kg. Giá gạo năm nay ước tính tăng 20% so với năm ngoái. Năm n goái, giá gạo cao cấp chỉ ở mức 14.000 rupiah/kg.
“Giá lúa dự kiến sẽ trở lại bình thường khi bắt đầu mùa thu hoạch. Vì vậy, giá lúa cao sẽ còn kéo dài đến giữa hoặc cuối tháng 3”, ông Rasyid cho biết.
Hiện Indonesia bắt đầu thu hoạch lúa nhưng chưa nhiều.
Cung ứng đủ gạo lương thực cho người dân là ưu tiên của Chính phủ Indonesia. Do đó, Bulog đã xuất kho gạo dự trữ của Chính phủ đưa vào thị trường bán buôn và bán lẻ Cipinang thông qua chương trình Bình ổn giá và cung ứng thực phẩm (SPHP). Loại gạo này được nhập khẩu từ Việt Nam, Thái Lan và Pakistan. Nguồn cung gạo từ Công ty hậu cần nhà nước Perum Bulog (Perum Bulog) là loại gạo SPHP trung bình với mức giá phù hợp với giá bán lẻ gạo cao nhất (HET), là 10.900 Rp/kg.
Nỗ lực nhập khẩu vẫn là một trong những "biện pháp tức thời" chính của Chính phủ để đáp ứng nhu cầu gạo trong nước. Tính đến ngày 18 tháng 2, lượng nhập khẩu gạo năm 2024 đã đạt 507.000 tấn.
Tuy nhiên, theo Thư ký Hội đồng Lãnh đạo Hiệp hội Thương nhân thị trường Indonesia (Central Leadership Council of the Indonesian Market Traders Association), Reynaldi Sarijowan, mặc dù gạo nhập khẩu đã bắt đầu được phân phối trên thị trường nhưng vẫn chưa thể khiến giá bán trên diện rộng được hạ xuống.
Indonesia trải qua tình trạng thiếu gạo từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2024, khiến giá gạo tăng trở lại. Thâm hụt gạo tháng 1/2024 ước tính là 1,61 triệu tấn và tháng 2/2024 lên tới 1,22 triệu tấn.
Ông Rasyid nói: “Hiện tại, lượng gạo dự trữ của Bulog vẫn còn. Vì vậy, công chúng không cần phải lo lắng cho đến kỳ nghỉ lễ Lebaran. Bulog và Bapanas nói với chúng tôi rằng vẫn còn 1,3 triệu tấn gạo trên khắp Indonesia”.
Tuy nhiên, dựa trên trang Bảng giá thực phẩm của Cơ quan Lương thực Quốc gia, giá gạo loại trung bình ở Jakarta vào ngày 24 tháng 2 năm 2024 là 14.860 Rp/kg. Trong khi đó, giá gạo cao cấp trung bình ở Jakarta là 16.310 Rp/kg. Điều này có nghĩa là giá cả loại gạo trung bình và cao cấp đều đã vượt quá giá bán lẻ tối đa.
Theo thông tin, giá tham chiếu hiện tại đối với mặt hàng gạo, còn được gọi là HET (giá quy định), đề cập đến Quy định số 7/2023 của Cơ quan Lương thực Quốc gia đối với Vùng 1, bao gồm Java, Lampung, Nam Sumatra, Bali, Tây Nusa Tenggara và Sulawesi, ở mức 10.900 Rp /kg đối với gạo chất lượng trung bình, trong khi gạo cao cấp có giá 13.900 Rp/kg.
Ông Zulkifli nhận định nếu không có gạo SPHP từ Bulog, giá gạo cao cấp ở Jakarta có thể đạt 20.000 Rp/kg, còn gạo trung bình sẽ đạt hơn 15.000 Rp/kg.
Tuy nhiên, Zulkifli hy vọng chính phủ sẽ sửa đổi quy định về Giá quy định HET. Nguyên nhân là do giá lúa hiện đang tăng vọt, khiến giá gạo không thể theo đúng HET do Chính phủ đề ra.
Ông cho rằng Chính phủ không nên điều tiết giá gạo của nông dân địa phương. Tuy nhiên, Chính phủ có thể ấn định giá gạo Perum Bulog từ nguồn nhập khẩu.
Ông nói: “Giá quy định HET có thể được sử dụng cho gạo nước ngoài vì nó thuộc sở hữu của Chính phủ. Nếu gạo của nông dân địa phương cũng phải tuân thủ giá quy định HET thì điều đó là không công bằng”, bởi nông dân hiện đang phải gánh chịu chi phí sản xuất cao, nhất là giá phân bón đắt đỏ.
Ông nói: “Thông thường nông dân dựa vào tiền vay để tài trợ cho việc trồng lúa, do đó họ sẽ bị lỗ nếu lúa thu hoạch được mua với giá thấp”.
Trên thực tế, nông dân đã thu hoạch nhưng mất mùa. Theo Zulkifli, các thương lái cũng đang chật vật thu mua gạo từ vụ thu hoạch của nông dân địa phương. Hiện nay, thương nhân dựa vào nguồn cung gạo từ Perum Bulog thông qua chương trình SPHP.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) lưu ý rằng Tổng chỉ số giá gạo ở Indonesia đạt 142,8 vào tháng 1 năm 2024. Đây là mức tăng 1,7 điểm so với tháng 12 năm 2023 và là mức cao nhất kể từ tháng 8 năm 2008.
Lượng gạo dự trữ ở Jakarta (tại Food Station) hiện vào khoảng 30.000 tấn, và thành phố này tiếp tục phân phối gạo cho các nhà bán lẻ đến tháng Ramadan. Lượng gạo dự trữ ở Jakarta tại Food Station hiện vào khoảng 30.000 tấn. Chính quyền thành phố trấn an người dân không cần lo lắng về tình trạng thiếu gạo và không nên mua tích trữ.
Có một số yếu tố khiến giá gạo tăng vọt, chẳng hạn như thời vụ gieo trồng và thu hoạch bị trì hoãn, ảnh hưởng đến cân bằng cung cầu. Thị trường kỳ vọng Chính phủ có thể thúc đẩy sản xuất lúa gạo vào năm 2024. Dự kiến Chính phủ sẽ cấp nhiều ngân sách hơn cho trợ cấp phân bón quy mô mở rộng để có thể tăng sản lượng.

Nguồn: VITIC/Vinanet (Theo kompas)