Sẽ khởi sắc trở lại
Theo ông Cao Anh Đương, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, dù tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, niên vụ 2021/2022 dự báo sẽ là một năm khởi sắc của ngành mía đường Việt Nam sau khi có Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá chống trợ cấp chính thức đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan trong thời hạn 5 năm.
Vụ chế biến 2021/2022, dự kiến còn 24 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2020/21, với tổng công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày.
Theo báo cáo của các Nhà máy đường dự kiến còn hoạt động trong vụ 2021/2022, kế hoạch sản xuất niên vụ 2021/22 của các Nhà máy đường như sau: Diện tích mía thu hoạch hơn 148.000ha; sản lượng mía đưa vào chế biến 8,6 triệu tấn; năng suất 66,5 tấn/ha; chữ đường bình quân 10,3 CCS; sản lượng đường trên 873.000 tấn.
Còn theo số liệu do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tổng hợp từ báo cáo của địa phương, dự kiến kế hoạch sản xuất mía ở các tỉnh có nhà máy đường niên vụ 2020/2021 như sau: Diện tích mía thu hoạch trên 157.000ha; năng suất 65,1 tấn/ha; sản lượng mía đưa vào chế biến trên 10,2 triệu tấn.
Dù các số liệu có khác nhau, nhưng nhìn chung đều khởi sắc hơn so với niên vụ 2020/2021 khi sản lượng mía nguyên liệu tiêu thụ, đưa vào chế biến chỉ đạt 6,7 triệu tấn, sản lượng đường sản xuất từ mía là trên 689.000 tấn.

Giá đường thế giới tăng đã giúp các nhà máy đường trong nước mua mía nguyên liệu cho bà con nông dân giá cao hơn các năm trước. Ảnh: TS.

Giá đường thế giới tăng đã giúp các nhà máy đường trong nước mua mía nguyên liệu cho bà con nông dân giá cao hơn các năm trước. Ảnh: TS.
Thực hiện nhiều giải pháp quan trọng
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, trên cơ sở Thực hiện Chỉ thị 28/CT-TTg của Thủ Tướng Chính phủ ngày 14/7/2020 về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, và chủ trương mới của ngành nông nghiệp lấy tư duy “kinh tế nông nghiệp” là cách thức tiếp cận chủ đạo, thay cho tư duy “sản xuất nông nghiệp”, ngành mía đường sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng trong niên vụ 2021/22 và các năm tiếp theo. Trong đó, các giải pháp đáng chú ý là củng cố chuỗi liên kết, xây dựng thị trường đường lành mạnh, phát triển nông nghiệp số…
Trước hết, để bảo đảm phát triển bền vững, ngành mía đường Việt Nam cần có các biện pháp phù hợp để củng cố và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường, đặc biệt trong điều kiện cạnh tranh cây trồng ngày càng gia tăng tại các địa phương.
Một số định hướng cho công tác củng cố và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường gồm: Minh bạch hóa khâu phân tích chữ đường (CCS) và đánh giá tỷ lệ trừ tạp chất của các nhà máy đường, tạo sự tin tưởng của nông dân đối với nhà máy đường, để nông dân yên tâm đầu tư thâm canh tăng năng suất và chữ đường, đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Xây dựng hệ thống chia sẻ lợi nhuận từ việc sản xuất 1 tấn đường, giữa nông dân và nhà máy đường, theo một tỷ lệ nhất định, theo đúng mức đóng góp của các bên và đảm bảo được vị thế bình đẳng của nông dân và nhà máy đường trong mối liên kết.
Tăng cường liên kết ngang giữa các hộ nông dân với hộ nông dân, hình thành nên các tổ hợp tác, hợp tác xã, nông trường trồng mía tập trung, áp dụng giống mía mới, cơ giới hóa đồng bộ và biện pháp thâm canh tiên tiến để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả trồng mía và chế biến đường.
Bên cạnh đó, ngành mía đường cần xây dựng thị trường đường lành mạnh phát triển hài hòa. Cụ thể, ổn định giá đường ở mức hài hòa hợp lý đối với người tiêu dùng và không để giá đường vượt quá mức giá của đường nhập khẩu từ Thái Lan sau khi đã bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Ổn định giá mua mía bảo đảm người nông dân có thu nhập đủ sống với cây mía, để người nông dân yên tâm phát triển cây mía, phục hồi vùng nguyên liệu. Giá mía cũng cần xây dựng bảo đảm cho người nông dân có thu nhập tương đương hoặc cao hơn so với cây trồng cạnh tranh chính tại địa phương.
Đặc biệt, ngành mía đường cần xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp mía đường Việt Nam trong bối cảnh quy mô nông hộ nhỏ, đất đai phân tán, khí hậu biến đổi dựa trên các cập nhật mới nhất của nông nghiệp số chính xác (còn gọi là nông nghiệp 4.0).
Trên cơ sở đó phát triển các kế hoạch hành động cụ thể tại từng vùng nguyên liệu mía để đạt các mục tiêu thoát khỏi trình độ trung bình trong canh tác mía và nâng thu nhập người nông dân trồng mía cao hơn cây trồng cạnh tranh chính tại địa phương.
Ban Chấp hành VSSA vừa có có văn bản gửi các hội viên Hiệp hội, khuyến cáo giá mua mía cho vụ ép 2021/2022.
Theo đó, với biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp được áp dụng, thị trường đường trong nước sẽ có một mặt bằng có giá mới phản ánh đầy đủ chi phí sản xuất đường trong điều kiện cạnh tranh công bằng.
Vì vậy, VSSA khuyến cáo các hội viên tùy vào hoàn cảnh thực tế tại địa phương, trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng cao, các nhà máy đường cần sớm xem xét hiệp thương với nông dân trồng và địa phương, điều chỉnh tăng giá mua mía cho vụ mới sắp đến, sao cho giá mua mía bảo đảm người nông dân bù đắp chi phí có thu nhập đủ sống với cây mía, để người nông dân yên tâm phát triển cây mía, phục hồi vùng nguyên liệu.
Giá mía cũng cần xây dựng đảm bảo cho người nông dân có thu nhập tương đương hoặc cao hơn so với cây trồng cạnh tranh chính tại địa phương, có như vậy người nông dân mới có thể an tâm tiếp tục đồng hàng cũng các nhà máy đường trong việc phát triển, phục hồi diện tích trồng mía và ngành mía đường Việt Nam.
Việc nâng giá mía là biện pháp củng cố và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường và thể hiện sự chia sẻ, đồng hành với người nông dân sau những vụ mía liên tiếp gặp khó khăn trong giai đoạn vừa qua.

Nguồn: Thanh Sơn - Nguyễn Thủy/Nông nghiệp Việt Nam