"Năm nay, Trung Quốc tiến hành một đợt gom mua ngô mạnh chưa từng thấy, đến nỗi một số tàu chở ngô phải chờ cả tháng mới có thể cập bến ở các cảng biển phía Nam nước này do tình trạng tắc nghẽn. Các nhà nhập khẩu vì thế phải trả mức phí “khủng” cho việc chậm bốc dỡ hàng khỏi những con tàu này", hãng tin Bloomberg cho hay. 
Nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc bùng nổ trong năm nay, khi đàn lợn của nước này hồi phục từ đợt dịch tả lợn châu Phi hoành hoành hành mạnh trong năm 2019-2020. Trong 4 tháng đầu năm, nhập khẩu ngô của nước này tăng gấp 4 lần so với kỳ kỳ năm ngoái, nhập khẩu cao lương trong tháng 4 tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu lúa mạch cũng tăng mạnh.
Trong bối cảnh như vậy, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển có thể đẩy cao hơn nữa giá nguyên vật liệu thô – một “cơn sốt” mà Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát.
Uỷ ban Phát triển và cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) – cơ quan hoạch định chính sách kinh tế của nước này – gần đây liên tục nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát các chuỗi cung ứng dài và phức tạp nhằm bình ổn giá cả, chống nguy cơ lạm phát leo thang. NDRC cũng chỉ đạo chính quyền các địa phương đảm bảo nguồn cung các mặt hàng từ ngô tới thịt lợn và rau cỏ.
Một công ty nhập khẩu ngô của Trung Quốc cho biết một tàu hàng từ Mỹ về đến Trung Quốc trong tháng 2 đã phải đợi thêm 1 tháng mới được dỡ hàng ở cảng Nam Thông thuộc tỉnh Giang Tô. Sự trì hoãn đã dẫn tới khoản phí chậm dỡ hàng không hề nhỏ.
Các nhà máy thức ăn chăn nuôi không phải là lực lượng duy nhất ở Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu ngô. Chính phủ nước này cũng đang mua ngô mạnh từ Ukraine và Mỹ để làm đầy dự trữ quốc gia. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc sẽ nhập khẩu kỷ lục 26 triệu tấn ngô trong niên vụ này và niên vụ tới.
Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, nhưng nhiều nhà nhập khẩu đậu tương Trung Quốc cũng chính là các công ty chế biến có nhà máy đặt gần cảng. Đối với ngô, các nhà nhập khẩu chủ yếu là doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và doanh nghiệp quốc doanh, trong đó có nhiều công ty nằm sâu trong nội địa.

Nguồn: VITIC/Reuters