Giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2024 chốt mức cao nhất ở 665,5 USD/tấn phiên 09/2, còn giá đường thô giao cùng kỳ hạn chốt mức cao nhất ở 24,02 US cent/lb cũng trong phiên này.
Theo dự báo trung bình của cuộc khảo sát của Reuters, kết thúc năm 2024, giá đường thô chốt ở 24,5 US cent/lb, tăng 19% so với cùng thời điểm năm 2023 khi thị trường đường toàn cầu chuyển sang trạng thái thâm hụt trong niên vụ tới; giá đường trắng ở mức 700 USD/tấn, tăng 17% so với cùng thời điểm năm 2023.

Diễn biến giá đường trắng tại London trong tháng 02/2024

Nguồn: Reuters

Diễn biến giá đường thô tại New York trong tháng 02/2024

Nguồn: Reuters

Các chuyên gia tư vấn của Brazil nhấn mạnh sự kết hợp giữa giá tăng cao trên thị trường quốc tế và việc phòng ngừa rủi ro đáng kể cho vụ thu hoạch sắp tới sẽ khuyến khích các nhà máy tập trung vào sản xuất đường, để hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu và củng cố khả năng hồi phục của ngành đường.
Sản lượng đường từ khu vực trung nam Brazil dự kiến sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại ở 42,23 triệu tấn trong năm 2023/24.
Nhà phân tích Green Pool cho rằng, vụ mùa 2024/25 của Brazil dường như khó có thể đạt được sản lượng tốt vào khoảng cuối tháng 12, đầu tháng 1. Dự trữ toàn cầu vẫn khan hiếm trong khi cần có nguồn thặng dư đáng kể để lấp chỗ trống.
Theo số liệu mới nhất của ISMA, tính đến ngày 15/2/2024 của năm tiếp thị 2023/24 đang diễn ra (tháng 10 – tháng 9), sản lượng đường của Ấn Độ chỉ đạt 22,36 triệu tấn, giảm 2,48% so với mức 22,93 triệu tấn trong cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo, Ấn Độ sẽ sản xuất được 31,6 triệu tấn đường trong niên vụ 2023/24 (tháng 10 – tháng 9), giảm xuống còn 29 triệu tấn đường trong niên vụ 2024/25 sắp tới. Czarnikow cho biết nếu không có tăng trưởng ở Ấn Độ sẽ dẫn đến sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2024/25 có thể sụt giảm.
Sản lượng đường của Ấn Độ được dự kiến giảm so với mức tiêu thụ lần đầu tiên sau 7 năm và thậm chí có thể nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới này phải nhập khẩu trong năm tới.
Ngày 18/01/2024, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định áp thuế xuất khẩu 50% đối với sản phẩm mật rỉ đường, cho thấy dấu hiệu lệnh hạn chế xuất khẩu đường của Ấn Độ vẫn chưa có khả năng dỡ bỏ trong tương lai gần. Điều này càng làm củng cố thêm những lo ngại về nguồn cung đường tại quốc gia này.
Trong nửa đầu quý I/2024, giá đường Việt Nam tiếp tục duy trì mức cao 21.000 - 22.000 đồng/kg.
Hiện giá mía Việt Nam đang ở mức ngang ngửa và cao hơn các nước trong khu vực. Tuy nhiên Hiệp hội Mía đường vẫn kiến nghị các nhà máy nâng giá mía lên. Hàng loạt công ty mía đường trên cả nước đã thông báo tăng giá mía từ 1,1-1,3 triệu đồng/tấn chưa bao gồm các chi phí hỗ trợ vận chuyển, tăng 6% so với niên vụ trước đó.
Giá đường trong nước có thể sẽ vẫn neo ở mức cao trong thời gian tới nhờ chênh lệch cung - cầu đường.
Triển vọng sản lượng sản xuất vụ 2023/24 (bắt đầu từ tháng 12/2023) dự kiến sẽ tích cực nhờ diện tích vùng nguyên liệu mía trong nước được mở rộng trong bối cảnh giá đường tăng mạnh.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) dự báo, sản lượng mía đưa vào chế biến trong niên vụ 2023/24 đạt 10,6 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ và sản xuất được hơn 1 triệu tấn đường thành phẩm, tăng 10% so với cùng kỳ - mức sản lượng cao nhất kể từ niên vụ 2019/20 đến nay.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters