Trước đó như Bộ Công thương đã đưa tin, phía Nhật Bản đã gửi công hàm thông báo do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên không thể cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lí, khử trùng quả vải tươi. Vì vậy, việc xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên sang thị trường Nhật Bản sẽ không thể triển khai trong vụ thu hoạch vải năm 2020.
Trước tình hình đó Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã có thư gửi Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đề nghị thúc đẩy Bộ MAFF xem xét các biện pháp đặc biệt, sáng tạo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu quả vải tươi vào Nhật Bản.
Sau nỗ lực và cố gắng của Chính phủ và các ban ngành thì lô vải thiều đầu tiên được xử lý thành công và được chuyên gia Nhật Bản chứng nhận đảm bảo điều kiện xuất khẩu. Hôm nay 19/6, 1 tấn vải thiều Lục Ngạn được xuất khẩu sang Nhật Bản bằng đường hàng không.
Ngày 19/6, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết ngày 17/6 chuyên gia Nhật Bản đã kiểm tra, đánh giá sản phẩm, cơ sở sơ chế, đóng gói tại Công ty xuất nhập khẩu Toàn Cầu, phân tích mẫu sản phẩm tại các mã vùng trồng.
Kết quả kiểm tra đều đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện, theo quy định của Nhật Bản.
Ngày 18/6, đoàn chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và chuyên gia của Nhật Bản bắt đầu giám sát quy trình sơ chế, khử trùng và đóng gói vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và đã có gần 5 tấn vải thiều được xử lý tại Công ty xuất nhập khẩu Toàn Cầu. Đây là cơ sở khử trùng được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và phía Nhật Bản công nhận đủ điều kiện sơ chế, xử lý trước khi xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, trưởng phòng hợp tác quốc tế (Cục Bảo vệ thực vật), cho biết hệ thống xử lý vải thiều do các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam thiết kế và được phía Nhật Bản đánh giá cao khi trực tiếp giám sát vận hành.
Ông Trần Quang Tấn, giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, cho biết hôm nay 19/6, 1 tấn vải thiều tươi đầu tiên được xuất khẩu sang Nhật Bản bằng đường hàng không."Dự kiến ngày 20/6, bốn tấn vải tiếp theo sẽ được xuất khẩu bằng đường biển. Từ tuần sau, mỗi tuần sẽ có 2 chuyến xuất khẩu và ước tính trong mùa vải năm nay, sẽ có khoảng 100 tấn vải thiều tươi được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản" - ông Tấn thông tin thêm.
Cũng trong thời gian này tại cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn), lượng vải quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc đang tăng lên từng ngày. Đây là tín hiệu đáng mừng cho các tư thương, doanh nghiệp trong xuất khẩu mặt hàng này cũng như người trồng vải của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương.
Gần 1 tuần nay, lượng xe vận chuyển vải quả tươi xuất qua cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn tăng bình quân gấp 5 đến 6 lần so với đầu vụ. Trung bình mỗi ngày có từ 50 - 60 xe vải quả tươi được xuất khẩu, chiếm 2/3 lượng hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bà Hoàng Thị Thiều Hoa, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Mặt hàng vải thiều tại Chi cục Hải quan Tân Thanh chủ yếu là luồng xanh. Khi doanh nghiệp khai trên hệ thống, hồ sơ mang vào thì kiểm tra sơ bộ thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu. Một bộ hồ sơ trung bình chỉ làm trong khoảng 2 phút là xong”.
Theo Chi cục Hải quan Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) từ đầu vụ vải đến nay, đã có khoảng 13.500 tấn vải quả tươi được xuất sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 3,5 triệu USD. Thời điểm này, vải quả xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh được giá hơn. Hiện nay, mặc dù đã vào vụ thu hoạch rộ nhưng giá vải đang dao động từ 22.000-25.000 đồng/kg.
“Trên cửa khẩu Tân Thanh hàng vải là được ưu tiên, xe vải vừa lên sáng nay. Thường sang đấy mặt hàng vải là bán được luôn vì chủ hàng Trung Quốc đón hết” - anh Nguyễn Văn Giang, lái xe tỉnh Hải Dương nói.
Việc tiêu thụ vải quả tươi thuận lợi sang thị trường Trung Quốc và Nhật Bản là tín hiệu tích cực đối với mặt hàng vải quả tươi cho các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương khi đang bước vào vụ thu hoạch rộ. Hiện nay, ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân Trung Quốc qua cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Bắc Giang để tiêu thụ vải nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid 19.
Vải thiều chính vụ đã bắt đầu vào thu hoạch và đang được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường trong và ngoài nước. Hiện giá vải thiều tại Bắc Giang cao nhất từ 40.000-45.000 đồng/kg; bình quân cao hơn từ 7.000-8.000 đồng/kg so với đầu vụ.
Những ngày qua, hoạt động thu mua vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang Hải Dương rất sôi động, với trên 300 điểm cân; dự kiến giá vải trên địa bàn tỉnh còn tiếp tục tăng trong những ngày tới. Trước đó, tỉnh Bắc Giang đã tổ hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020 với 62 điểm cầu trong nước và 4 điểm cầu quốc tế đã thành công tốt đẹp.