Hiện tại nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giá chôm chôm tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg so với tháng trước và đang có mức cao kỷ lục trong nhiều tháng qua.
Tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long... giống chôm chôm Java bán xô có giá 45.000-50.000 đồng/kg; còn chôm chôm Java đạt chuẩn đóng thùng xuất khẩu có giá 55.000-60.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước. Các loại chôm chôm đường và chôm chôm Thái cũng đang có giá khá cao 70.000-80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các loại chôm chôm này tiêu thụ nội địa chứ không được xuất khẩu nhiều như chôm chôm Java.
Tại các chợ Tp.Hồ Chí Minh chôm chôm các loại về chợ không nhiều, giá tăng khá cao. Như chôm chôm đường và chôm chôm giống Thái Lan có giá 70.000 – 120.000 đồng/kg nhưng không đủ cầu.
Nguyên nhân giá chôm chôm tăng cao kỷ lục, theo các nhà vườn do đầu vụ, nguồn cung giảm thấp so với nhu cầu. Thêm vào đó, từ năm 2016 đến nay, năng suất và sản lượng chôm chôm tại nhiều địa phương đồng bằng sông Cửu Long cũng bị giảm do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, nước mặn xâm nhập và các loại sâu bệnh diễn biến phức tạp.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Vĩnh Long cho thấy, chôm chôm đang là loại có giá tăng cao nhất trong các loại trái cây. Cụ thể, chôm chôm java ở Bình Hòa Phước - Long Hồ được thương lái mua tại vườn 60.000 đồng một kg (tăng 15.000 đồng một kg), chôm chôm đường là 45.000 đồng một kg (tăng 10.000 đồng), và chôm chôm Thái hiện có giá bán tại vườn 90.000-105.000 đồng một kg. Mặc dù Trung Quốc là thị trường có sức tiêu thụ mạnh nhưng do nguồn cung quá ít, gần như không đủ đóng thùng xuất đi nên các thương lái tạm ngưng xuất khẩu.
Cùng với chôm chôm, giá mận đầu mùa mặc dù ở mức cao 200.000 đồng/kg nhưng vẫn đắt hàng.
Cây mận thường ra hoa 2 lần trong 1 năm, lần đầu vào cuối xuân, lần thứ 2 vào đầu tháng 5. Thông thường, mận ra quả đầu tiên trước dịp cận Tết Nguyên Đán, song, mận tại thời điểm đó được đánh giá không ngon bằng mận tháng 5, số lượng quả cũng ít hơn vào chính vụ.
Từ giữa tháng 3 tới nay, tại một số góc đường tại Hà Nội như: Xã Đàn, Lê Duẩn, Nguyễn Xiển, Quán Thánh,... đang có một số gánh hàng rong bán mận đầu mùa “chính gốc” Sơn La với giá 160.000 – 200.000 đồng/kg, đắt gấp 10 lần so với chính vụ. Cá biệt, một số loại mận to đã ngả đỏ có giá lên tới 220.000 đồng/kg. So với thời điểm cách đây 1 tháng, giá mận đã tăng khoảng 50.000 đồng/kg.
Theo một tiểu thương bán hàng rong tại Hà Nội, nguồn mận đầu mùa nhập về thời điểm này đa phần là ở Mộc Châu (Sơn La). Một số ít lấy từ một số địa phương như Yên Bái, Điện Biên hoặc Lào Cai. Bình thường, vào mùa mận tháng 5, tháng 6, giá mận chỉ khoảng 20.000 – 30.000 đồng/kg. Còn hiện tại, giá mận đắt là do đầu mùa, nguồn hàng cón ít nên đắt như vậy. Còn phân biệt giữa mận ta với mận Trung Quốc rất dễ, thông thường mận ta có dáng xấu hơn, đốm quả không đều. Ngược lại, mận Trung Quốc vỏ rất đẹp, quả tròn trịa.
Giá mận đầu mùa tuy cao, nhưng chất lượng mận đầu mùa cũng chưa được “hoàn chỉnh”. Mận đầu mùa có vị khá chua kèm theo vị chát, vỏ dày. Một số gánh hàng rong thừa nhận, nếu muốn ăn mận ngon thì phải đợi thêm 1 tháng nữa, mận mới chín, vị chua thanh đặc trưng.
Ngược với chôm chôm và mận, giá sả ở vùng chuyên canh Tân Phú Đông (Tiền Giang) giảm mạnh, xuống mức thấp nhất so với thời điểm đầu năm và chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước, còn 2.500 – 3.000 đ/kg.
Giá sả giảm xuống mức thấp, do thời điểm này nhiều trà sả của nông dân địa phương đang vào kỳ thu hoạch rộ, bên cạnh đó thương lái không mua hoặc có mua số lượng không nhiều nên lượng sả trên đồng còn rất lớn..
Nguồn: VITIC tổng hợp/Báo Tin tức, VnExpress, VTC
 

Nguồn: Vinanet