Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu thực vật lớn nhất thế giới. Lượng dầu cọ nhập khẩu tăng có thể hỗ trợ giá dầu cọ kỳ hạn FCPOc3 chuẩn của Malaysia khi giá mặt hàng này đang giao dịch gần mức cao nhất trong hơn hai tháng.
Theo ước tính từ các đại lý, nhập khẩu dầu cọ trong tháng 6/2024 đã đạt mức 788.000 tấn, cao nhất kể từ tháng 12. Sandeep Bajoria, Giám đốc điều hành của Sunvin Group, một công ty môi giới dầu thực vật, cho biết lượng nhập khẩu có thể tăng lên mức 850.000 tấn trong tháng 7 này.
Các đại lý cho biết, nhập khẩu dầu cọ thô (CPO) tại Ấn Độ được chào ở mức 985 USD/tấn, gồm chi phí, bảo hiểm và cước vận chuyển (CIF) cho đợt giao hàng tháng 8. Trong khi đó, dầu đậu tương và dầu hướng dương được chào bán ở mức tương ứng 1.065 USD/tấn và 1.050 USD/tấn.
Bên cạnh đẩy mạnh nhập khẩu dầu cọ, nhập khẩu hướng dương của Ấn Độ trong tháng 6/2024 cũng tăng 14% so với tháng trước đó, lên mức kỷ lục 467.000 tấn. Rajesh Patel, đối tác quản lý tại Công ty kinh doanh dầu ăn và môi giới GGN Research, cho biết nhập khẩu dầu hướng dương có thể vượt 500.000 tấn trong tháng 6, nhưng do một số tàu không thể cập cảng trước cuối tháng.
Ngược lại, mặt hàng dầu đậu tương bị chững lại, với nhập khẩu giảm 16% trong tháng 6 chỉ còn 273.000 tấn.
Giữa tháng 7 này, Hiệp hội các nhà chiết xuất dung môi Ấn Độ (SEA) có thể sẽ công bố số liệu nhập khẩu tháng 6. SEA cho biết, nhập khẩu dầu cọ và dầu hướng dương đã nâng lượng nhập khẩu dầu ăn của nước này lên mức 1,53 triệu tấn, tăng 2% và đạt mức cao nhất trong 10 tháng.
Ấn Độ chủ yếu mua dầu cọ từ Indonesia, Malaysia và Thái Lan, trong khi nhập khẩu dầu đậu tương và dầu hướng dương từ Argentina, Brazil, Nga và Ukraine.
Tại Malaysia, AmSpec Agri Malaysia ước tính xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của nước này trong tháng 6/2024 chỉ đạt 1.188.180 tấn, giảm 15,4% so với mức 1.404.719 tấn xuất khẩu hồi tháng 5. Trong khi đó, Công ty khảo sát hàng hoá Intertek testing Services cho biết, con số này trong tháng 6 là 1.306.689 tấn, giảm 11,8% so với mức 1.481.916 xuất khẩu trong tháng 5.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters