Giá gạo Việt Nam tuần này tăng do lượng tồn trữ thấp trong khi giá gạo Ấn Độ và Thái Lan giảm bởi nhu cầu yếu và nguồn cung tăng.
Giá chỉ đạo gạo 25% tấm của Việt Nam tăng lên 340 USD/tấn, FOB, từ mức 335 USD/tấn một tuần trước đó, trong khi gạo 5% tấm cũng tăng lên 350 – 355 USD/tấn so với 350 USD/tấn một tuần trước.
Reuters dẫn lời một thương gia của công ty nước ngoài ở TP HCM cho biết: “Không có đủ gạo tấm để sản xuất loại 25% tấm”.
Tuy nhiên, các thương gia ở Bangkok nhận định giá gạo Thái Lan giảm khiến gạo Việt trở nên khó cạnh tranh hơn. “Nếu người mua quyết định mua vào lúc này thì họ sẽ chọn gao Thái”, một thương gia Thái Lan cho biết.
Trung Quốc, thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam, đã khôi phục hoạt động nhập khẩu qua biên giới từ tháng trước, nhưng khối lượng nhập chưa nhiều.
Theo các thương gia Thái, khách hàng châu Phi đã chuyển hướng sang mua gạo Pakistan và Thái Lan bởi giá rẻ hơn.
Gạo 5% tấm của Thái Lan giá giảm xuống 345 – 350 USD/tấn, FOB, từ mức 350 – 354 USD/tấn một tuần trước.
Ở mức 348 USD/tấn ngày 31/10, giá gạo Thái thấp nhất trong vòng 13 tháng.
Thái Lan đang thu hoạch lúa, khoảng 80% sản lượng vụ này sẽ được thu hoạch trong tháng 11. Sản lượng vụ này dự báo đạt
Giá trung bình gạo 25% tấm của Pakistan trong giai đoạn tháng 1 – tháng 9 năm nay khoảng 331 USD/tấn, thấp hơn mcs 335 USD/tấn của Việt Nam, theo thống kê của FAO.
Tại Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, gạo đồ 5% tấm giá giảm 6 USD trong tuần này, xuống 358 – 360 USD/tấn do nhu cầu yếu và nguồn cung tăng theo tiến độ thu hoạch vụ mới. Các thương gia Ấn Độ dự báo giá sẽ còn giảm thêm nữa.
Những thông tin liên quan
Tổng thống Indonesia: Sẽ không nhập thêm gạo trong năm nay
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đảm bảo rằng Indonesia sẽ không nhập khẩu thêm gạo từ nay tới cuối năm bởi lượng dự trữ đủ dùng cho tới tháng 5/2017.
Sản lượng gạo đã tăng mạnh từ khoảng 1.030.000 tấn trong giai đoạn tháng 9 – tháng 10/2015 lên khoảng 1.990.000 tấn tháng 10/2016 nhờ sử dụng giống lúa tốt và mưa gió thuận hoà.
Chính phủ sẽ tập trung tăng dự trữ trước khi quyết định có hay không xuất khẩu gạo vào cuối năm nay.
Xuất khẩu gạo Thái Lan tăng 10% trong tháng 9
Thái Lan đã xuất khẩu 790.000 tấn gạo trong tháng 9, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng lượng xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm lên 6,85 triệu tấn.
Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái, Charoen Laothamatas cho biết trị giá xuất khẩu trong thang s0 đạt 12 tỷ baht, tăng 3,4%.
Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo tăng 3,7% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chỉ tăng 1,6% về trị giá đạt 108 tỷ baht.
Ông Charoen Laothamatas cho biết xuất khẩu tăng đối với cả gạo cũ và gạo mới sang các khách hàng ở châu Phi, bởi các nước châu Phi đã khôi phục hoạt động nhập khẩu gạo để bổ sung vào kho dự trữ đã bị giảm sút.
Xuất khẩu gạo đồ sang châu Phi đạt 255.000 tấn trong tháng 9, tăng 103% so với tháng 8. Benin là thị trường nhập khẩu nhiều nhất, chiếm 177.000 tấn.
Xuất khẩu gạo trắng sang châu Phi và châu Á cũng tăng 22% trong tháng 9 lên 371.000 tấn.
Ông dự báo xuất khẩu trong tháng 10 sẽ đạt 700.000 – 800.000 tấn, nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc và tiếp tục bán sang châu Phi.
Campuchia nỗ lực xuất khẩu gạo
Tờ The Phnom Penh Post ngày 25/10 dẫn thông báo từ Bộ Thương mại Campuchia cho biết nước này sắp ký thỏa thuận xuất 1 triệu tấn gạo sang Indonesia.
Theo phát ngôn viên Soeng Sophary, thỏa thuận này được kỳ vọng góp phần đẩy mạnh xuất khẩu gạo sau khi Campuchia chỉ hoàn thành 50% mục tiêu xuất 1 triệu tấn trong năm ngoái. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Nông nghiệp cảnh báo ngay cả khi thỏa thuận được ký, không có gì đảm bảo Campuchia bảo đảm được chỗ đứng tại thị trường Indonesia do khó cạnh tranh với các “cường quốc gạo” như VN và Thái Lan. Theo ông này, xuất khẩu gạo năm ngoái không đạt chỉ tiêu là do thiếu kho bãi, hệ thống giao nhận chưa hiệu quả, các nhà máy xay xát thiếu vốn và giá điện cao.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Hiệp hội Lúa gạo Campuchia Hun Lak cho rằng kế hoạch mới quá tham vọng và cần ít nhất 2 đến 3 năm nữa, nước này mới đủ khả năng xuất khẩu 1 triệu tấn gạo. 
Xuất khẩu gạo Việt Nam có thể đạt mục tiêu 5,65 triệu tấn trong năm nay
Từ giữa năm 2016, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ 6,5 triệu tấn xuống còn 5,65 triệu tấn. Đây là mức hạ thấp nhất từ trước đến nay và với chỉ tiêu mới, có khả năng xuất khẩu lúa gạo sẽ đạt được mục tiêu nếu tiếp tục mở rộng được thị trường xuất khẩu gạo trong hai tháng cuối năm.
Đó là nhận định của ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối qua cuộc trao đổi với phóng viên VietnamPlus.
Cục trưởng Lê Văn Bảnh cho hay, trong năm nay xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, giảm cả về sản lượng cũng như giá trị.
Thái Lan áp dụng nhiều biện pháp ổn định thị trường lúa gạo
Sau cuộc họp này 2/11, Chính phủ Thái Lan đã quyết định tăng thêm mức hỗ trợ cho người trồng lúa gạo Hom Mali (gạo nhài thơm) đồng thời áp dụng thêm nhiều biện pháp khác để ổn định thị trường gạo trong bối cảnh giá mặt hàng nông nghiệp chủ lực này xuống mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Apiradi Tantraporn cho biết biện pháp hỗ trợ sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1/11/2016 đến ngày 28/2/2017 và ước tính sẽ hỗ trợ được 2 triệu nông dân.
Bà Apiradi cho biết, mức hỗ trợ mới được áp dụng cho nông dân trồng gạo Hom Mali được nâng từ mức 11.525 baht/tấn lên mức 13.000 baht/tấn, trong đó, 9.500 bath sẽ được trả cho mỗi tấn gạo được tạm trữ, 2.000 bath/tấn chi phí thu hoạch và 1.500 baht/tấn cho chi phí bảo quản.
Những nông dân không có nhà kho sẽ không được hưởng khoản phí bảo quản 1.500 baht/tấn. Điều kiện để nhận hỗ trợ là các nông dân phải tạm trữ loại gạo này trong 5 tháng nhằm giảm nguồn cung thị trường.
Mức hỗ trợ này cũng có thể sẽ được điều chỉnh để phù hợp với các biến động của thị trường trong tương lai.
Bên cạnh việc hỗ trợ về giá, Bộ Thương mại Thái Lan cũng sẽ tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống kho trữ của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên toàn quốc để đảm bảo rằng hệ thống này đủ khả năng tiếp nhận lượng gạo của vụ thu hoạch mới.

Nguồn: VITIC/Reuters

Nguồn: Vinanet