Nhu cầu đối với thịt bò và thịt lợn dự kiến sẽ giảm, trong khi thịt gia cầm và cừu sẽ tăng lên. Theo báo cáo mới nhất của IndexBox, trong trường hợp này, các protein thay thế sẽ không phải cạnh tranh với các loại thịt động vật do giá thành sản xuất cao. Xuất khẩu thịt từ các nước EU sẽ giảm, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu của các nước châu Á giảm.
IndexBox ước tính tiêu thụ thịt tại EU sẽ giảm trong thời gian tới. Trong khi tiêu thụ thịt toàn cầu được dự báo sẽ tăng 1,4%/năm do thu nhập ở các nước đang phát triển tăng lên, tiêu thụ thịt bình quân đầu người của EU được dự báo sẽ giảm nhẹ từ 68 kg trong năm 2022 xuống 67,5kg/người vào năm 2025.
Sự thay đổi trong cơ cấu tiêu dùng theo hướng giảm tiêu thụ thịt bò và thịt lợn là yếu tố chính khiến thị trường đình trệ. Ngay cả khi nhu cầu đối với thịt gia cầm và thịt cừu tăng cũng sẽ không đủ để bù đắp cho phần giảm tiêu thụ thịt lợn, thịt bò. Để chống chọi với biến đổi khí hậu, đàn gia súc buộc phải cắt giảm và điều này có thể hạn chế nguồn cung.
Người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn an toàn sức khỏe, đặc biệt là bảo động vật và bảo vệ môi trường; do đó, phân khúc thịt hữu cơ ngày càng phát triển. Đối với các sản phẩm thay thế thịt, thịt chay được cho là sẽ không trở thành đối thủ cạnh tranh với thịt động vật vì mức độ ưa chuộng của người tiêu dùng thấp và chi phí sản xuất cao. Báo cáo cho biết các lựa chọn sản phẩm thay thế thịt làm từ thực vật chỉ chiếm thị phần khoảng 1% trong tổng doanh số bán thịt trong năm 2020 và sẽ không tăng nhiều trong 5 năm tới.