Giá thịt lợn tăng mạnh nhất kể từ năm 1995, do sự thiếu hụt nguồn cung ở Tây Âu và nhu cầu tăng vọt trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Giá thịt gia cầm thế giới ổn định, nguồn cung từ các nước xuất khẩu hàng đầu sụt giảm sau khi dịch cúm gia cầm bùng phát và cũng bị ảnh hưởng bởi việc Ukraine không thể xuất khẩu thịt gia cầm trong bối cảnh xung đột đang diễn ra. Giá thịt trâu, bò cũng ổn định, nguồn cung hạn hẹp ở một số vùng sản xuất trọng điểm, trong khi nhu cầu toàn cầu vẫn ổn định.
Chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 3/2022 đạt trung bình 159,3 điểm, tăng 12,6% so với tháng 2/2022 và đạt mức cao nhất kể từ năm 1990, tăng 33,6% so với tháng 3/2021.
Chỉ số giá ngũ cốc thế giới trong tháng 3/2022 tăng 17,1% so với tháng 2/2022 do giá lúa mì và giá các loại ngũ cốc thô tăng mạnh do hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine. Liên bang Nga và Ukraine, lần lượt chiếm khoảng 30% và 20% xuất khẩu ngô và lúa mì toàn cầu trong ba năm qua. Giá lúa mì thế giới tháng 3/2022 tăng 19,7%, do lo ngại về vụ mùa ở Mỹ. Trong khi đó, giá ngô tăng 19,1%, đạt mức cao kỷ lục cùng với giá lúa mạch và hạt bo bo tăng. Chỉ số giá gạo ít thay đổi so với tháng 2/2022 nhưng vẫn giảm 10% so với tháng 3/2021.
Chỉ số giá dầu thực vật thế giới tăng 23,2%, do giá dầu hạt hướng dương tăng, trong đó Ukraine là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Giá dầu cọ, dầu đậu nành và dầu hạt cải cũng tăng mạnh do giá dầu hướng dương cao hơn và giá dầu thô tăng, trong đó giá dầu đậu tương tiếp tục tăng bởi lo ngại về việc giảm xuất khẩu của Nam Mỹ.
Chỉ số giá đường thế giới tăng 6,7% so với tháng 2/2022 và tăng 20% so với tháng 3/2021. Giá dầu thô tăng là yếu tố thúc đẩy giá đường tăng, cùng với đồng Real của Brazil tăng giá, tuy nhiên triển vọng sản lượng ở Ấn Độ tăng đã kìm hãm đà tăng mạnh.
Chỉ số giá sữa thế giới tháng 3/2022 tăng 2,6% so với tháng 2/2022 và tăng 23,6% so với tháng 3/2021 do giá bơ và sữa bột tăng mạnh trong khi nhu cầu nhập khẩu tăng đột biến, đặc biệt là từ các thị trường châu Á.