Giá cà phê tăng cao, nông dân than "Phú quý giật lùi"
Bà Võ Thị Hải (thôn Tân Nam, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Năm nay giá cà phê đầu vụ tăng cao. Bên ngoài cứ cho là chúng tôi mừng, "trúng đậm". Nhưng kỳ thực chỉ có người trồng cà phê chúng tôi mới tỏ. Như nhà tôi không có nhiều cà phê để bán bởi năng suất cà phê năm nay giảm đáng kể...".

Nông dân xã Hoà Đông, huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) tranh thủ thu hoạch cà phê trong khi giá cà phê ngày 17/11 đang giữ được xu hướng tăng. Ảnh: T.T

Theo bà Hải, những năm đầu mới trồng, cây cà phê còn trẻ nên nông dân đầu tư ít mà cà phê vẫn cho năng suất cao.
Ngược lại cà phê càng già cỗi thì dù có bón phân, tưới nước càng nhiều thì năng suất cũng chỉ có giảm dần.
"Vườn cà phê của gia đình tôi đã hơn 20 năm rồi năng suất giảm là đúng. Hơn nữa, giá cà phê nhiều năm liền xuống thấp nên gia đình chán, cắt giảm đầu tư mua phân bón, xịt thuốc, tưới tắm. Năm nay, giá phân bón tăng gần gấp đôi, nên càng phải cắt giảm. 1 ha cà phê của gia đình năm nay thu hoạch được khoảng tấn rưỡi nhân thôi...", bà Hằng thở dài.
Sau nhiều năm giá cà phê thấp không thể thấp hơn, năm nay giá cà phê tăng mạnh, nhưng với nhiều nông dân trồng cà phê thì cái thời "kiếm tiền tỷ" đã trôi vào dĩ vãng. 
"Cách đây 10-20 năm, ở vùng này, dân cứ giâm bừa cây cà phê giống xuống rồi tưới tắm, làm cỏ là có ăn. Chi phí trồng cà phê ngày xưa so với doanh thu cũng rất thấp. Nhưng bây giờ, giá cà phê bằng mức với giá cà phê cách đây hơn 10 năm, nhưng giá phân bón, giá xăng dầu, giá nhân công, giá vận chuyển thì đã tăng vù vù. Thế nên với nông dân trồng cà phê chúng tôi là "Phú quý giật lùi". Ngày xưa tìm tỷ phú trồng cà phê là nông dân không khó, nhưng mấy năm nay là rất khó...", ông Vũ Thành Nguyên, một nông dân trồng 10ha cà phê ở TP Buôn Ma Thuột bộc bạch.
Cùng với nhiều diện tích cây cà phê già cỗi, giá phân bón tăng cao, năm nay một số vùng trọng điểm trồng cà phê ở tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk còn bị hạn hán nên phải tưới nhiều hơn. Có nơi người trồng cà phê phải tưới 5 đợt, tăng thêm 2 đợt so với năm không hạn.
Tưới nhiều thì tốn xăng dầu, tốn điện nhiều, tốn nhân công thuê mướn nhiều nên lời lãi từ trồng cà phê không còn đáng bao nhiêu, chưa nói là lỗ nặng...

Người dân xã DliêYa (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) trồng xen canh cà phê với cao su. Ảnh: P.H

Cũng do giá cà phê nhiều năm liền giảm liên tục và dừng ở mức thấp, không khuyến khích nông dân, doanh nghiệp đầu tư thâm canh, chăm bón.
Để đảm bảo an toàn cho nguồn thu nhập, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã trồng xen sầu riêng, cây bơ và các loại cây khác vào trong vườn cà phê. Do vậy một phần cà phê phải chặt bỏ, mật độ thưa nên dẫn đến năng suất cà phê giảm mạnh.
"Khi mới trồng xen canh, cây cà phê còn là cây trồng chính. Nhưng qua 1-2 năm, cây cà phê trở thành cây trồng phụ bị "ghẻ lạnh, bỏ mặc" bởi thu nhập từ các loại cây trồng xen canh khác cao hơn. Chỉ có năm nay, khi giá cà phê nhân tăng cao, nhiều người lại mới tính đến quay lại chăm bón cho cây cà phê...", bà Nguyễn Thị Lương (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ.
Sản lượng cà phê giảm, doanh nghiệp cũng kêu thiếu cà phê nhân
Về lý do năng suất cà phê giảm, ông Nông Văn Tân (xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: "Vườn cà phê 2ha của gia đình tôi đã trồng được 35 năm, cây già cỗi lắm rồi nên năng suất cà phê rất thấp. Nếu chặt hết để trồng mới thì 3 năm liền không biết lấy gì mà ăn..."
Theo ông Tân, mấy năm qua, giá cà phê quá thấp nên nhà ông cũng không muốn trồng lại toàn bộ. Vì vậy ông chặt bớt rồi trồng xen cây khác vào. Gọi là mất cây nọ thì còn có cây kia bù vào, may ra còn có thu nhập.
"Mấy năm qua, tâm lý chung của nhiều nông dân trồng cà phê là "chán". Không còn cái thời cứ trồng cà phê là giàu. Không còn chuyện nhà trồng mấy ha cà phê là khẳng định nhà giàu. Tôi đồng ý với ai đó nói: Với nông dân trồng cà phê thì dù giá cà phê tăng mạnh vẫn là "phú quý giật lùi...", ông Nông Văn Tân chia sẻ.
Việc "bỏ đói, bỏ khát" cây cà phê trong thời gian dài là tình trạng không phải khó tìm của nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp trồng cà phê ở Tây Nguyên.
Giá cà phê nhân tăng cao, không chỉ nông dân không có nhiều cà phê để bán, mà doanh nghiệp thu mua cà phê nhân cũng kêu là không có nhiều hàng để thu mua.
Ngay cả doanh nghiệp trồng cà phê bài bản cũng kêu là năng suất cà phê năm 2021 giảm sâu.

Theo ông Mai Kỳ Văn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê – Ca cao Tháng 10 (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), sản lượng cà phê năm nay được dự đoán sẽ giảm nhiều. Hiện công ty đang quản lý khoảng 500 ha cà phê. Tuy nhiên sản lượng cà phê chỉ đạt khoảng 700 tấn, tính ra năng suất bình quân chỉ khoảng 1,4 tấn/ha, giảm mạnh so với các niên vụ cà phê trước.

"Sản lượng cà phê giảm do người dân nhận khoán trồng xen các loại cây khác vào vườn cà phê quá nhiều. Hơn nữa đầu tư quá nhiều vào cây cà phê mà không có lợi nhuận nên nhiều hộ nông dân chán nản, ngày càng chán...". ông Văn nói.
Ông Văn cũng chia sẻ thêm, giá cà phê Đắk Lắk đầu vụ tăng mạnh,mức giá gần chạm kỷ lục trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam (mức cao nhất là 45.000 đồng/kg).
Nhiều người so sánh ngán ngẩm rằng, giá cà phê tăng mạnh hiện nay thì cũng chỉ dừng ở mức giá 10 năm trước, trong khi phân bón, thuốc sâu, xăng dầu, giá thuê nhân công...đã tăng hàng chục lần.
Nhưng theo ông Văn, so sánh giá cà phê hiện nay bằng với giá cà phê khoảng 10 năm trước thì rất khập khiễng. "Nếu giá cà phê hiện nay tăng mạnh khoảng 60.000 – 80.000 đồng/kg thì mới tương đương với giá cà phê 10 năm trước đây được...", ông Văn khẳng định.

Nguồn: Phương Hằng/Dân Việt