Hợp đồng dầu cọ giao tháng 1/2023 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch giảm 0,85% xuống ở 3.833 ringgit (813,46 USD)/tấn. Thời điểm nghỉ giữa ngày, hợp đồng kỳ hạn này ở mức 3.795 ringgit (804,88 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ đã giảm 1%.
Công ty khảo sát hàng hóa Intertek Testing Services cho biết, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong 15 ngày đầu tháng 10/2022 giảm 4% so với cùng kỳ tháng 9 trong khi Công ty giám định độc lập AmSpec Agri Malaysia lại báo cáo mức tăng 1,9%.
Đồng ringgit đã giảm 0,15% so với đồng USD, khiến cho hàng hoá được định giá bằng đồng tiền này rẻ hơn đối với những người mua bằng đồng ngoại tệ.
Một số người tham gia thị trường đã thất vọng vì dữ liệu xuất khẩu của Malaysia mờ nhạt trong nửa đầu tháng 10 dù đồng ringgit suy yếu.
Bộ Thương mại Indonesia cho biết, nước này đã đặt giá tham chiếu dầu cọ thô trong thời gian từ 16 – 31/10/2022 ở mức 713,89 USD/tấn, áp thuế xuất khẩu 3 USD/tấn, giảm so với mức 33 USD/tấn so với trước đó.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương không đổi trong khi giá dầu cọ tăng 2,51%. Giá đậu tương trên sàn Chicago tăng 0,6%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.