Đà tăng giá đường vẫn chưa dứt
Theo dữ liệu từ trang Investing, tính đến ngày 26/4, giá đường thô tăng lên 26,6 cent/pound, mức cao nhất kể từ tháng 9/2011.

Số liệu: Investing (H.Mĩ tổng hợp)
Theo CNBC, ông Girish Chhimwal, nhà phân tích đường tại S&P, cho biết: “Các yếu tố cơ bản về ngành đường khá lạc quan do đó, giá sẽ duy trì ở mức cao trong ngắn hạn và trung hạn”.
Chi phí tăng cao có thể được chuyển cho người tiêu dùng dưới dạng giá bánh kẹo đắt hơn. Ông John Stansfield, nhà phân tích đường cấp cao tại nền tảng dữ liệu hàng hóa DNEXT, cho biết: “Giá bánh kẹo, đồ uống sẽ tăng theo giá đường. Giá thực phẩm chế biến đang tăng trên toàn cầu. Trong một thanh sô cô la, bạn có sữa, bột ca cao… và những chi phí này cũng tăng lên. Chi phí năng lượng và lao động để sản xuất các sản phẩm này cũng đang tăng lên”.
Những mối lo về sản lượng
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết giá đường thế giới tăng do một số nơi sản xuất đường khi cập nhật tình hình thực tế nhận thấy sản lượng thấp hơn so với dự báo. So với nhu cầu thế giới, sau khi đánh giá lại thì vẫn thừa cung nhưng mức độ dư thừa thấp hơn nhiều so với dự báo trước đây.
Khi có dấu hiệu nguồn cung giảm cộng thêm những bất ổn về chính trị khiến các quỹ đầu cơ tăng cường mua khống.
Trả lời trang CNBC, ông Stansfield cho biết: “Trong những tuần gần đây, mùa ép mía ở châu Á đã bắt đầu kết thúc và chúng ta đã chứng kiến sự điều chỉnh giảm sản lượng lớn ở các nước sản xuất chính, đặc biệt là Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Pakistan”.
Theo trang Barchart, Bộ trưởng Lương thực Ấn Độ cho biết nước này đang cân nhắc việc hạn chế xuất khẩu thêm đường trong năm nay do sản lượng thấp hơn dự kiến.
Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) báo cáo sản lượng đường từ tháng 10/2022 đến tháng 3 giảm 3,3% so với cùng kỳ xuống gần 30 triệu tấn. Tính chung cả niên vụ, sản lượng đường của nước này ước tính 34 triệu tấn, thấp hơn con số 36,5 triệu tấn mà ISMA dự báo vào cuối năm ngoái.
Đồng thời ISMA dự báo lượng đường xuất khẩu của Ấn Độ trong niên vụ 2022 - 2023 quanh mức 6,1 triệu trấn, giảm so với mức 9 triệu tấn đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái. Ấn Độ là nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới, sau Brazil.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng mía của Brazil niên vụ 2022 - 2023 đạt khoảng 621 triệu tấn, giảm 7,5% so với niên vụ 2021 - 2022.

Sản lượng mía của Brazil qua các niên vụ. Số liệu: Bộ Nông nghiệp Mỹ
S&P Global Commodity Insights cũng đã cắt giảm ước tính thặng dư đường toàn cầu niên vụ 2022-2023 xuống 600.000 tấn từ ước tính 5 triệu tấn trong tháng 11/2022 do sản lượng đường toàn cầu yếu hơn dự kiến.
Trong khi đó, Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) cắt giảm ước tính thặng dư đường toàn cầu niên vụ 2022-2023 xuống 4,15 triệu tấn từ 6,19 triệu tấn.
Ông Stansfield nói thêm rằng sản lượng thấp hơn là do vụ mùa củ cải đường ở châu Âu kém hiệu quả do diện tích giảm và hạn hán nghiêm trọng vào mùa hè trong khi nhu cầu tiếp tục phục hồi thời kỳ hậu COVID-19.
Theo Tổ chức Đường Quốc tế, khoảng 80% sản lượng đường toàn cầu đến từ mía, trong khi 20% có nguồn gốc từ củ cải đường.
Thời tiết khắc nghiệt có thể khiến giá đường tăng hơn nữa
Ông Girish Chhimwal dự báo giá đường có thể duy trì ở mức cao. Mặc dù Trung Quốc có khả năng sử dụng dự trữ nhà nước để giảm bớt áp lực trên thị trường toàn cầu, Chhimwal cảnh báo rằng có nhiều yếu tố có thể đẩy giá cao hơn.
Ông Chhimwal cảnh báo: “Rủi ro hiện tượng thời tiết El Nino đối với hoạt động sản xuất ở châu Á trong trung hạn có thể đẩy giá đường lên cao hơn nhiều”.
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, có 62% khả năng xảy ra hiện tượng El Nino từ tháng 5 đến tháng 6.
Ông nói thêm, tùy thuộc vào lượng mưa gió mùa châu Á, thị trường đường có khả năng trở nên “rất biến động” và tác động của thời tiết trong trung hạn.
Mưa ở nhà sản xuất số một Brazil cũng đang làm chậm thời điểm bắt đầu thu hoạch vào tháng Tư.
Mưa tại Brazil cũng đang làm chậm thời điểm bắt đầu thu hoạch vào tháng 4. Hiện quốc gia này là nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới, chiếm 22% sản lượng của cả thế giới.
Nhà phân tích hàng hóa Matthew Biggin của Fitch Solutions cho biết vụ thu hoạch mía ở khu vực trung nam Brazil - chiếm 90% sản lượng của cả nước - diễn ra từ tháng 4 đến tháng 12 và sản lượng của quốc gia này sẽ là thước đo chính để theo dõi.
Nhưng “giá đường hiện đang cao đến mức ngay cả khi giá giảm đáng kể khi vụ thu hoạch của Brazil tung ra thị trường, giá vẫn có thể coi là cao hơn mức lịch sử thiết lập trước đó” ông nói.
Một yếu tố khác đẩy giá cao hơn là quyết định bất ngờ gần đây của OPEC cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1,16 triệu thùng mỗi ngày. Fitch Solutions đã viết trong một báo cáo ngày 13/4 rằng điều đó đã khuyến khích việc chuyển hướng mía sang sản xuất ethanol. Điều này khiến phần mía dành cho sản xuất đường giảm, ảnh hưởng đến nguồn cung đường, đặc biệt là tại Brazil.
Theo Barchart, Chính phủ Brazil đã thiết lập một tỷ lệ cố định cho thuế đối với xăng và ethanol khan, điều này sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất ethanol và có thể thúc đẩy các nhà máy đường của nước này sản xuất nhiều ethanol từ mía với chi phí ngang bằng với sản xuất đường.
Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, các nhà máy của Brazil có năng lực đặc biệt trong việc linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất đường và ethanol từ mía, tuỳ tình hình biến động của thị trường. Trong niên 2022/2023, tỷ lệ sản lượng đường - ethanol lần lượt là 45,2% và 54,8%.
Ông Chhimwal cho biết, cùng với giá lương thực cao hơn, các quốc gia đang phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ cao sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi giá đường tăng đột biến. Điều này sẽ ảnh hưởng “đặc biệt nặng nề” đến các quốc gia Bắc Phi và châu Phi cận Sahara, nơi có nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu đường cao.
Thị trường đường bước vào giai đoạn tăng mới?
Xét về dài hạn, đại diện VSSA cho rằng đà tăng giá vừa qua chưa thể kết luận là ngành đường đang bước vào chu kỳ tăng mới sau nhiều năm lao dốc do cuộc khủng hoảng dư cung.
“Thời gian qua, có lúc giá đường tăng theo quy luật cung - cầu nhưng cũng có lúc lại là do yếu tố đầu cơ như tôi vừa phân tích. Do đó, đợt tăng vừa qua không hẳn là do yếu tố cơ bản, thị trường vẫn còn dư cung”, ông Lộc nói.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng mía của Brazil niên vụ 2023 - 2024 có thể tăng 6,5% so với niên vụ 2022 - 2023 lên 661,4 triệu tấn. Sản lượng đường cũng được dự báo tăng 10% lên 44 triệu tấn.

Số liệu: Bộ Nông nghiệp Mỹ (H.Mĩ tổng hợp)
Tỷ lệ sản xuất đường - ethanol của các nhà máy có thể sẽ thay đổi theo hướng nghiêng nhiều về phía tăng sản lượng đường hơn. Theo đó, tỷ trọng của mặt hàng đường được Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo tăng lên 47,8% so với con số 45,2% của niên vụ 2022 - 2023 do giá đường tăng cao, khuyến khích các nhà máy sản xuất mặt hàng này.

Số liệu: Bộ Nông nghiệp Mỹ (H.Mĩ tổng hợp)
Sản lượng đường của Thái Lan niên vụ 2023 - 2024 cũng được dự báo tăng 2% so với niên vụ trước đó lên 11,2 triệu tấn, đánh dấu 4 niên vụ tăng sản lượng liên tiếp.

Số liệu: Bộ Nông nghiệp Mỹ (H.Mĩ tổng hợp)
Trong khi đó, lượng tiêu thụ nội địa khoảng dự báo khoảng 3,2 triệu tấn. Mặc dù tăng 100.000 tấn so với niên vụ 2022 - 2023 nhưng con số này thấp hơn nhiều so với sản lượng. Do đó quốc gia này đẩy mạnh việc xuất khẩu. Dự kiến trong niên vụ tới Thái Lan có thể xuất khẩu 12 triệu tấn đường, tăng 1 triệu tấn so với niên vụ 2022 - 2023.

Nguồn: H.Mĩ/Doanh nghiệp và Kinh doanh