Tại Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, gạo đồ 5% tấm giá tăng khoảng 2 USD/tấn lên 423-427 USD/tấn.
Các thương gia Bangladesh tích cực mua gạo vụ mới của Ấn Độ bởi giá tại thị trường Bangladesh vẫn cao.
Xuất khẩu gạo Ấn Độ năm 2017 chắc chắn tăng 22% lên kỷ lục 12,3 triệu tấn nhờ xuất mạnh sang Bangladesh sau khi nước láng giềng này bị lũ lụt nghiêm trọng làm giảm sản lượng lúa.
Đến cuối tháng 12, nông dân ở Ấn Độ đã trồng 1,88 triệu ha lúa vụ Đông, cao hơn 44% so với cùng kỳ năm trước.
Giá gạo tại Thái Lan cũng tăng, với loại 5% tấm đạt 395 – 410 USD/tấn (FOB), từ mức 393 – 396 USD/tấn tuần trước, bởi đồng baht mạnh lên và nguồn cung gạo suy giảm.
Baht đã tăng 1,6% so với USD từ đầu năm đến nay, và trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất khu vực châu Á.
“Giá gạo tăng bởi baht mạnh lên, nguồn cung giảm do ảnh hưởng từ lũ lụt, và hợp đồng xuất khẩu 200.000 tấn mới ký với Indonesia”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết.
Bộ Thương mại Thái Lan dự báo xuất khẩu 9,5 triệu tấn gạo, trị giá 4,7 tỷ USD trong năm 2018.
Các thương gia Thái nhìn chung cho rằng mục tiêu này sẽ đạt được. Con số đó thấp hơn so với mức trên 11 triệu tấn của năm trước, do baht mạnh lên và thời tiết bất lợi ảnh hưởng tới nguồn cung. Còn về phía nhu cầu, nhìn chung vẫn khá ổn định. Các thương gia Thái dự báo giá sẽ tiếp tục tăng trong vài tuần tới.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giá tăng lên 400 USD/tấn, FOB Sài Gòn, kết thúc 3 tuần vững giá ở quanh mức 390 – 395 USD/tấn. Thị trường được hỗ trợ bởi triển vọng ký được hợp đồng với phía Philippines.
“Giá tăng bởi có tin Philippines sẽ mở thầu mua 250.000 tấn gạo vào cuối tháng 1”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết.
Tuy nhiên, hoạt động giao dịch vẫn trầm lắng do lượng tồn trữ không còn nhiều, trong khi vụ Đông – Xuân phải tới cuối tháng 2 mới thu hoạch.
Việt Nam có kế hoạch bán 23% cổ phần của Vinanfood II thông qua hình thức đấu giá công khai. Vốn điều lệ của Vinafood II là 5.000 tỷ đồng tương ứng 500 triệu cổ phần theo mệnh giá 10.000 đồng/cp.Trong đó, Nhà nước nắm 255 triệu cp, chiếm 51 %vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai lần đầu cho các nhà đầu tư (IPO) thông thường 114.8 triệu cp, chiếm 23% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động 5 triệu cp, chiếm 1 % vốn điều lệ; cổ phần bán cho Tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp 200.000 cp, chiếm 0,04% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 125 triệu cp, chiếm 25% vốn điều lệ. Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu là 10.100 đồng/cp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông quyết định và chịu trách nhiệm về số liệu và mức giá khởi điểm. Thời gian bán cổ phần là trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày phương án cổ phần hóa được phê duyệt.
Nguồn: VITIC/Reuters