Gạo 5% tấm của Ấn Độ giá tăng 3 USD/tấn lên 421 – 424 USD/tấn.
“Các thương gia Bangladesh đang tích cực mua gạo vụ mới từ miền Đông Ấn Độ. Điều đó hỗ trợ giá, trong bối cảnh nhu cầu từ châu Phi yếu”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Pune thuộc bang Maharashtra miền Tây Ấn Độ cho biết.
Nông dân Ấn Độ tính tới cuối tháng 12/2017 đã trồng 1,63 triệu ha lúa vụ Đông, cao hơn 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu gạo non-basmati của nước này tăng 35% trong giai đoạn tháng 4 – tháng 11 so với cùng kỳ năm trước, lên 5,57 triệu tấn.
Đồng rupee tăng giá cũng buộc các nhà xuất khẩu phải nâng giá lên để có lợi nhuận. Rupee đã hiện đang ở mức cao nhất trong khoảng 30 tháng.
Bangladesh, đã nổi lên thành nhà nhập khẩu gạo lớn trong năm 2017 sau khi lũ lụt ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng – đã nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo trong giai đoạn tháng 7 – tháng 12/2017, theo số liệu của Bộ Lương thực nước này.
Mặc dù nhập khẩu tích cực, giá gạo tại Bangladesh vẫn không giảm nhiều. Do vậy, có thể nước này sẽ còn tiếp tục nhập khẩu thêm nữa trong những tháng tới.
Tháng 8/2017, Bangladesh đã hạ thuế nhập khẩu gạo lần thứ 2 trong vòng 2 tháng để khuyến khích tư nhân nhập khẩu – hầu hết từ Ấn Độ qua đường bộ.
Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan giá 393 – 396 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 398 - 400 USD/tấn tuần trước. Các thương gia cho biết giá biến động theo xu hướng tỷ giá.
Bộ Thương mại nước này cho biết từ 1/1 đến 26/12/2017, Thái Lan đã xuất khẩu 11,25 triệu tấn gạo, tăng 14,77% so với cùng kỳ năm trước đó và đạt kỷ lục cao trong lịch sử.
Các thương gia cho rằng vẫn còn quá sớm để nhận định về khối lượng xuất khẩu của Thái Lan năm nay vì xuất khẩu năm ngoái tăng do Chính phủ giải phóng kho dự trữ.
"Tôi nghi ngờ xuất khẩu năm 2018 sẽ không cao vì lượng tồn trữ của Chính phủ hiện còn rất ít”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết.
Về khách hàng tiềm năng trong năm nay, một số thương gia lạc quan về khả năng xuất khẩu sang Sri Lanka, nước đã bị khô hạn và lũ lụt gây giảm mạnh sản lượng. Ước tính sản lượng năm 2017 giảm khoảng 40% xuống 2,7 triệu tấn, theo số liệu của FAO đưa ra hồi tháng 6 năm ngoái.
Trong khi đó tại Việt Nam, thị trường tương đối trầm lắng, giao dịch thưa thớt, với loại 5% tấm giá vững ở 390 – 395 USD/tấn, FOB TP HCM.
Nguồn: VITIC/Reuters