Xuất khẩu tăng cả lượng và trị giá
Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo XK tháng 10/2022 ước đạt 700 nghìn tấn với trị giá đạt 334 triệu USD, đưa tổng khối lượng và trị giá XK gạo 10 tháng năm 2022 đạt lần lượt 6,07 triệu tấn và 2,94 tỷ USD, tăng 17,2% về khối lượng và tăng 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 9 tháng năm 2022, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 43,9% thị phần. XK gạo sang thị trường này đạt 2,47 triệu tấn với trị giá 1,14 tỷ USD, tăng 35,3% về khối lượng và tăng 22,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, thị trường có trị giá XK gạo tăng mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (tăng 71,2%). Ngược lại, thị trường có trị giá XK gạo giảm mạnh nhất là Gana (giảm 32,8%).
Đặt lên bàn cân so sánh, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong tháng 10/2022, giá gạo XK Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng do đồng Baht yếu và nhu cầu giảm. Trong khi đó, giá gạo tại Việt Nam và Ấn Độ ổn định gần mức cao nhất trong nhiều tháng do lo ngại về nguồn cung.
Cụ thể, tại Thái Lan, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm giảm 28 USD/tấn, từ mức 435 USD/tấn xuống còn 407 USD/tấn - mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2022. Các thương nhân cho rằng giá gạo giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm ở cả thị trường trong nước và XK trong bối cảnh không có sự gián đoạn nguồn cung do lũ lụt. Đồng Baht của Thái Lan đã được giao dịch gần mức thấp nhất kể từ năm 2006 so với đồng USD bởi những lo ngại dai dẳng về tăng trưởng toàn cầu và suy thoái.
Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm trong tháng 10/2022 giảm nhẹ 2 USD/tấn, từ mức 376 - 384 USD/tấn xuống 374 – 382 USD/tấn. Giá gạo giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm và chất lượng gạo bị ảnh hưởng do mưa lớn. Mưa lớn diễn ra nhiều ngày ở Ấn Độ đã gây thiệt hại đến các ruộng lúa ngay trước kỳ thu hoạch ở các bang trồng lúa chính như Uttar Pradesh, Tây Bengal và Andhra Pradesh. Trong khi đó, tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm không đổi ở mức 425 - 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11/2021.
Bà Đoàn Xuân Khánh Quyên, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Vinarice) chia sẻ: giá lúa gạo tại thị trường nội địa, đặc biệt là khu vực ĐBSCL trong những ngày đầu tháng 11/2022 liên tục tăng. Hiện ở nhiều vùng, lúa mới khoảng 50 - 60 ngày tuổi đã có thương lái đến đặt vấn đề giá cả và đặt cọc. “So với mức giá đỉnh hồi tháng 10/2022, giá gạo XK hiện tiếp tục tăng bình quân từ 10 - 20 USD/tấn”, bà Quyên nói.
Xung quanh câu chuyện giá gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An đánh giá: những năm gần đây đã có nhiều thời điểm giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan. Gạo Việt đi sau Thái Lan nhưng đang phát triển nhiều giống lúa mới, nâng cao quy trình sản xuất. Đồng thời, độ tươi mới của gạo Việt cao hơn gạo Thái cùng chủng loại nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Giá xuất khẩu cao đến hết năm 2022
Theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, ngành gạo Việt trong những năm gần đây đang có sự chuyển dịch từ gạo ở phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao. Nhờ đó, XK gạo sang các thị trường “khó tính” ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.
Lãnh đạo Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An thông tin thêm: các thị trường “khó tính” như châu Âu, Hàn Quốc rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. Các đơn hàng liên tục được ký mới. Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An vừa trúng gói thầu XK 20.000 tấn gạo sang Hàn Quốc với trị giá hơn 9 triệu USD, dự kiến sẽ XK vào đầu năm 2023.
Đại diện một số DN XK gạo cho rằng, xu hướng tăng giá gạo XK sẽ tiếp tục kéo dài tới cuối tháng 12/2022. Thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á (nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu) và tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc (thị trường có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới) đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Bên cạnh đó, việc Ấn Độ đánh thuế 20% gạo XK cũng là cơ hội cho ngành XK gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm.
Trong giai đoạn 2017 – 2018, Ấn Độ chỉ XK khoảng 8 – 9 triệu tấn gạo/năm, khi đó giá gạo XK của Việt Nam khá tốt. Tuy nhiên, vào năm 2021 khi Ấn Độ đưa sản lượng gạo XK lên trên 21 triệu tấn, giá gạo trên thị trường bị sụt giảm mạnh. Có thể nói, Ấn Độ là đối thủ rất "nặng ký" trong cạnh tranh XK gạo ở phân khúc phẩm cấp trung bình với Việt Nam. Bởi vậy, việc cường quốc XK gạo này áp thuế 20% đối với các loại gạo XK sẽ làm cho giá gạo Ấn Độ đắt hơn gạo của nhiều quốc gia XK khác, tạo cơ hội để gạo Việt Nam lấy lại thị trường trước đây bị gạo Ấn Độ lấn áp.
Về mục tiêu XK gạo cả năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: “Năm 2022, diện tích gieo trồng lúa đạt trên 7,2 triệu ha như kế hoạch, sản lượng thóc cả năm trên 43 triệu tấn, sản lượng gạo dành cho XK đạt khoảng 6,5 – 6,7 triệu tấn. Kim ngạch XK gạo cả năm có khả năng đạt khoảng 3,2 - 3,3 tỷ USD".

Nguồn: Haiquanonline