Dù sản lượng hồ tiêu xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt, song trước những yêu cầu của thị trường, việc áp dụng các quy chuẩn thực hành nông nghiệp tốt để sản xuất hồ tiêu bền vững đang là đòi hỏi cấp bách hiện nay. Từ thực tế đó, nhiều hộ nông dân trồng tiêu đã chuyển sang sản xuất tiêu sạch, bước đầu giúp hồ tiêu Việt Nam có thể xâm nhập và đứng vững ở nhiều thị trường khó tính.
“Chìa khóa” vào thị trường khó tính
Hơn 10 năm nay, ông Đặng Tấn Huynh ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ; đồng thời, tham gia vào chuỗi sản xuất hồ tiêu hữu cơ (đạt chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) của một doanh nghiệp FDI chuyên chế biến, xuất khẩu gia vị.
Với kinh nghiệm canh tác hồ tiêu hữu cơ và nhận thấy nhu cầu thị trường của mặt hàng này là khá lớn, tháng 9/2016, ông Huynh cùng với 10 thành viên khác đã cùng nhau thành lập Hợp tác xã (HTX) Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận. Ngay từ khi thành lập, HTX này đã khoanh vùng 50 ha liền kề nhau của các hộ thành viên để tạo thành một vùng nguyên liệu ở xã Nhân Cơ - một địa phương hiện có diện tích hồ tiêu lớn thứ hai của tỉnh Đắk Nông.
Ở Đồng Thuận, hồ tiêu được trồng, thu hoạch theo phương pháp sinh học, các hội viên nói "Không" với phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật độc hại, chất kích thích tăng trưởng và chất gây biến đổi gen. Bên cạnh đó, các hội viên của HTX này phải tuân thủ nghiêm ngặt sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị, sự hướng dấn của bộ phận kỹ thuật và sự giám sát chặt chẽ của Ban kiểm soát HTX.
Theo ông Huynh, hồ tiêu là một loại gia vị có yêu cầu về an toàn thực phẩm rất cao nên sản phẩm hồ tiêu hữu cơ thường được công ty thu mua cao hơn giá thị trường từ 10 - 30%. Thậm chí, ngay cả khi giá hồ tiêu sụt giảm dưới đáy thì cũng có công ty đến hỏi mua với giá gấp đôi giá thị trường với điều kiện đã đạt chứng nhận hữu cơ. Do đó, với việc canh tác theo hướng hữu cơ, các hội viên ở HTX Đồng Thuận tin rằng sẽ “đứng vững” trên thị trường trong thời gian tới.
Cũng với xu hướng đó, ngay từ khi thành lập năm 2014 đến nay, HTX Nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đã định hướng sản xuất hồ tiêu sạch với vùng nguyên liệu trên 1.100 ha. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường EU.
Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San, từng có thời gian công tác ở Đức và nhận thấy nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu ở EU là rất lớn, nhưng lại có những đòi hỏi rất khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi trở về nước, ông Luân vận động, liên kết với hơn 1.000 nông hộ tham gia vào chuỗi sản xuất hồ tiêu sạch theo hướng canh tác sinh thái.
Theo ông Luân, để sản phẩm hồ tiêu Việt Nam đứng lâu ở các thị trường khó tính, chỉ cần doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với các hộ nông dân sản xuất theo đúng quy trình về nông học, kỹ thuật canh tác là có thể kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm. Lúc đầu người dân cứ tưởng làm tiêu sạch rất khó nhưng khi được hỗ trợ kiến thức thì họ lại thấy đơn giản.
Trong bối cảnh giá tiêu sụt giảm như hiện nay, việc liên kết giữa HTX Lâm San với các hộ nông dân đã đảm bảo được thị trường và giá bán xuất khẩu ổn định. Do đó, nông dân tham gia vào HTX ngày càng đông. Trong thời gian gần đây, HTX này đã chuyển 50 ha diện tích trồng tiêu sang canh tác theo hướng hữu cơ của các tổ chức chứng nhận hữu cơ quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường; đồng thời có kế hoạch mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính khác như Nhật Bản.
Phát triển hồ tiêu bền vững
Không chỉ riêng HTX Nông nghiệp Lâm San hay HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận, nhiều diện tích vườn tiêu trên cả nước hiện đang được chuyển sang canh tác theo hướng sinh thái, nhằm giảm lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Điều này xuất phát từ nhu cầu cấp bách hiện nay của thị trường.
Trước đó, ngay từ đầu năm 2017, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã dự báo tình hình xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong năm nay sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Hầu hết các thị trường nhập khẩu hồ tiêu chính của Việt Nam sẽ gia tăng các biện pháp kiểm soát chất lượng hồ tiêu nhập khẩu, nhất là ở thị trường Mỹ và EU.
Những nghi ngại về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và việc nguồn cung tiêu trong nước tăng trưởng “nóng” trong thời gian qua đã khiến giá hồ tiêu trong nước sụt giảm mạnh xuống dưới 100.000 đồng/kg từ đầu quý 2/2017 và hiện vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.
Cũng chính vì lo ngại không tiêu thụ được nên chưa bao giờ phong trào canh tác hồ tiêu sạch được nông dân quan tâm như hiện nay. Bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VPA cho biết, nhiều nông dân đã tự tìm tòi, học hỏi các nhà khoa học, tự thành lập các câu lạc bộ cùng tuân thủ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo mô hình thực hành nông nghiệp tốt.
Đồng thời, họ tìm đến các doanh nghiệp thu mua để cam kết có hồ tiêu chất lượng và an toàn không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đây thực sự là tín hiệu vui cho ngành hồ tiêu Việt Nam.
Qua kinh nghiệm thực tế sản xuất ở Malaysia, ông Yap Chin Ann thuộc Hiệp hội Hồ tiêu Malaysia cho rằng, để ngành hồ tiêu thực sự phát triển bền vững, quan trọng nhất vẫn là thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Điều quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay là khuyến khích nông dân sử dụng phân hữu cơ và canh tác bền vững theo hướng hữu cơ, sử dụng công nghệ sản xuất tiến bộ để năng suất và sản lượng tiêu bền vững hơn. Đồng thời, xây dựng quy trình sản xuất hồ tiêu bền vững để người dân có thể làm theo.
Để thúc đẩy ngành hồ tiêu phát triển bền vững, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có chỉ đạo các ban ngành liên quan và VPA khẩn trương xây dựng các liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng hồ tiêu để thuận lợi trong việc sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững.
Đồng thời, cùng một số doanh nghiệp hội viên VPA xây dựng thí điểm mô hình liên kết có cấp chứng nhận, mã số vùng trồng tại một số địa phương trồng hồ tiêu lớn để doanh nghiệp xuất khẩu có được sản phẩm hồ tiêu an toàn. Điều này sẽ giúp hồ tiêu Việt Nam có thể xuất khẩu với giá trị cao hơn, đáp ứng nhu cầu một số thị trường đang đòi hỏi cao về chất lượng và đòi hỏi có thể kiểm soát chất lượng qua thông tin về chỉ dẫn xuất xứ.