Indonesia, nhà sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, đã áp dụng DMO vào năm ngoái nhằm kiềm chế giá dầu ăn tăng vọt. Theo chương trình này, các nhà sản xuất chỉ được phép xuất khẩu sau khi bán một phần sản phẩm của mình tại thị trường nội địa.
Phát biểu tại một hội nghị về dầu cọ ở đảo Bali, Tổng cục trưởng Thương mại trong nước Isy Karim cho biết tỷ lệ xuất khẩu so với doanh thu nội địa cũng sẽ được duy trì ở mức hiện tại. Cụ thể, các công ty dầu cọ được phép xuất khẩu gấp bốn lần khối lượng tiêu thụ trong nước thông qua cơ chế DMO.
Ông Isy cho hay Indonesia thỉnh thoảng vẫn đối mặt với tình trạng thiếu dầu ăn giá rẻ tại thị trường nội địa, trong khi giá cả mặt hàng này ở khu vực miền Đông xa xôi vẫn cao hơn mức trần do chính phủ áp đặt là 14.000 rupiah (0,8836 USD) mỗi lít.
Cuối tháng 4/2022, Indonesia đã cấm xuất khẩu dầu cọ thô (CPO) và dầu ăn nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng giá dầu ăn trong nước.
Tuy nhiên, chỉ ba tuần sau đó, nước này đã buộc phải bãi bỏ lệnh cấm và thay thế bằng chính sách DMO trong bối cảnh giá thu mua cọ nguyên liệu giảm thấp hơn giá thành sản xuất, gây phản ứng mạnh mẽ từ các nông dân trồng cọ.