Theo yêu cầu của quy định chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR), những nhà nhập khẩu theo các quy định mới sẽ phải đảm bảo rằng sản phẩm của họ không góp phần gây ra nạn phá rừng ở các nước xuất khẩu và quy trình sản xuất nguyên liệu thô tuân thủ các quy định ESG.
Eddy Martono, người đứng đầu GAPKI cảnh báo rằng ngành công nghiệp này chưa sẵn sàng cho những thay đổi đáng kể như vậy và kêu gọi hoãn luật này đến năm 2026. Một số loại cây trồng cà phê, ca cao, cao su và dầu cọ có nguy cơ bị cấm nhập khẩu. Martono lo ngại rằng nếu không có sự tham vấn phù hợp giữa EU và các đối tác thương mại, xuất khẩu dầu cọ từ Indonesia sang EU có thể giảm 30%.
Quy định này sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay và các công ty lớn phải tuân thủ ngay lập tức, trong khi các công ty nhỏ được kéo dài thực thi đến tháng 7/2025, nếu không có thể bị phạt doanh thu lên đến 4%.
Malaysia đã liên tục thực hiện các bước tích cực để đảm bảo tính bền vững về môi trường của ngành công nghiệp dầu cọ của mình đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu và các quy định về phá rừng. Tuy nhiên, Tổng thư ký Bộ Trồng trọt và Hàng hóa Datuk Yusran Shah Mohd Yusof bày tỏ lo ngại rằng, ngành dầu cọ của Malaysia vẫn nằm trong phạm vi EUDR, điều này có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của đất nước, khiến sụt giảm xuất khẩu sang EU, mặc dù Kuala Lumpur có các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt. Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của dầu cọ đối với an ninh lương thực toàn cầu do năng suất cao, phạm vi ứng dụng rộng rãi và khả năng cải thiện bảo quản thực phẩm.
Malaysia trước đây đã cam kết ngừng thành lập các đồn điền cọ dầu mới ở các khu vực có rừng để hỗ trợ và duy trì độ che phủ rừng hiện tại là 54%. Vì hơn 80% dầu cọ được sản xuất tại Malaysia được xuất khẩu, nên chứng nhận dầu rất quan trọng đối với ngành cọ và ngân sách của quốc gia này.