Trong một tuyên bố đưa ra ngày 11/1, MPOC cho biết dự báo tích cực bắt nguồn từ động lực cung và cầu đang thay đổi ở Indonesia, quốc gia đang hướng tới mô hình tăng trưởng âm sau khi triển khai B35 (35% nhiên liệu sinh học làm từ dầu cọ và 65% dầu diesel) vào tháng 8/2023.
MPOC dự báo nguồn cung dầu cọ của Indonesia sẽ thiếu hụt 0,24 triệu tấn do tiêu dùng nội địa đối với dầu diesel sinh học và thực phẩm, dự kiến sẽ tăng 0,64 triệu tấn mà sản lượng không tăng. Thâm hụt có thể tăng thêm nếu xuất khẩu vượt quá mức dự báo.
Cũng theo MPOC, tồn kho dầu cọ của Malaysia trong tháng 12/2023 giảm 4,64% xuống 2,29 triệu tấn, chạm mức thấp nhất 3 tháng, phù hợp với xu hướng sản xuất dầu cọ.
Theo báo cáo của MPOC, sản lượng dầu cọ trong quý IV/2023 đạt 5,27 triệu tấn, mức cao nhất kể từ năm 2018, tăng 0,16 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2022. Xu hướng này được dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài đến quý I/2024. Do đó, sản lượng dầu cọ của Malaysia vào năm 2024 được ước tính sẽ tăng 1%, đạt 18,75 triệu tấn.
Nhà phân tích thị trường toàn cầu độc lập “Oil World” dự đoán, sản lượng dầu và chất béo toàn cầu trong năm 2023/24 sẽ tăng 3,46 triệu tấn. Tiêu thụ dự kiến sẽ tăng 7,22 triệu tấn, do yêu cầu bắt buộc về diesel sinh học tăng lên ở Mỹ, Indonesia và Brazil. Do đó, thị trường dầu và chất béo thế giới được dự đoán sẽ thắt chặt đôi chút vào nửa cuối năm 2024.
MPOC cho biết, bất chấp sự lạc quan chung về giá dầu cọ vào năm 2024, giới phân tích dự đoán giá dầu cọ sẽ giao dịch thấp hơn trong tháng đầu tiên của năm, từ 3.600 ringgit đến 3.850 ringgit, do nhu cầu ảm đạm từ các nước nhập khẩu chính và sự cạnh tranh về giá dầu hướng dương và dầu hạt cải.
Trong tháng 12/2023, tại thị trường châu Âu, giá dầu hướng dương và dầu hạt cải cao hơn giá dầu cọ lần lượt 3 USD và 39 USD, do giá hạt hướng dương và hạt cải dầu trên thế giới cao bất thường trong những tháng gần đây. Tháng 1 và tháng 2 là những tháng xuất khẩu thấp theo mùa ở Malaysia, với lượng xuất khẩu đạt 1,13 triệu tấn trong tháng 1/2023 và 1,12 triệu tấn trong tháng 2/2023.