Thời kỳ “phục hưng” của ngành hàng cá tra
Là loài cá thịt trắng đặc sắc của Việt Nam, cá tra ngày càng được người tiêu dùng trên thị trường thế giới yêu thích vì sự tiện lợi, cấu trúc và hương vị trung tính, dễ chế biến và giá cả phù hợp với mọi phân khúc tiêu thụ.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022 là thời kỳ “phục hưng” của ngành hàng cá tra. XK cá tra Việt Nam đã bứt phá mạnh mẽ với kỷ lục 2,4 tỷ USD. Sau đỉnh dịch, lượng tồn kho còn nhiều, sản xuất chế biến hồi phục, nhu cầu trên các thị trường đều tăng. Giá XK cá tra sang các thị trường tăng từ 20 – 55%, nhất là tại thị trường Mỹ. Xung đột Nga – Ukraine khiến nguồn cung cá thịt trắng tại nhiều thị trường sụt giảm, tạo cơ hội cho cá tra tăng thị phần.
Hiện cá tra Việt Nam đã chinh phục hơn 140 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường truyền thống và khắt khe về an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật như Mỹ, EU và cả những thị trường vốn không ưa chuộng cá nuôi như Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện nay, lạm phát đang làm sụt giảm nhu cầu thủy sản trên thị trường thế giới, XK cá tra cũng phần nào bị ảnh hưởng, lượng hàng tồn kho còn nhiều nên các nhà nhập khẩu giảm hoặc dừng các đơn hàng mới trong các tháng cuối năm và có thể kéo dài sang đầu năm 2023. Nhưng với lợi thế về nguồn cung ổn định và giá cả phù hợp, XK cá tra sẽ vẫn duy trì ổn định hơn so với các ngành hàng khác và dự báo sẽ bứt phá mạnh mẽ khi thị trường bình ổn trở lại.
VASEP dự báo nguồn cung các loại cá thịt trắng vào năm 2023 giảm và xu hướng giá cá thịt trắng tăng mạnh, thì cá tra Việt Nam vẫn nhìn thấy cơ hội lạc quan. Khi lạm phát ngấm sâu vào các nền kinh tế thế giới, nhất là các thị trường thuộc khối G7, người tiêu dùng đã và sẽ tiếp tục siết chặt chi tiêu đối với các mặt hàng thực phẩm giá cao. Do vậy, dù ít nhiều bị tác động đến nhu cầu tiêu thụ và thực phẩm, nhưng so với các mặt hàng thủy hải sản khác, năm tới tiêu thụ và nhập khẩu cá tra vào các thị trường có thể không bị giảm đáng kể.
Chú trọng chất lượng xuất khẩu
Hiện nay, hoạt động chế biến và xuất khẩu cá tra đã được cải thiện đáng kể, quản lý chất lượng hàng xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Hầu hết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đều áp dụng chương trình quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế như: HACCP, BRC, Global Gap, IFS, ASC và chứng chỉ BAP theo yêu cầu của từng thị trường. Là địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất và chế biến cá tra, hiện Đồng Tháp có 22 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, tổng công suất thiết kế hơn 467 tấn thành phẩm/năm. Để đảm bảo yêu cầu đối với hàng XK, các doanh nghiệp chú trọng đề nguồn nguyên lệu chế biến, quy trình sản xuất... Các vùng sản xuất đã được cấp 378 mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm với diện tích 1.509 ha; sản xuất theo quy trình, quy chuẩn VietGap, Global Gap, ASC và tương đương với diện tích 827 ha, chiếm trên 55% diện tích nuôi.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, hiện lĩnh vực chế biến thủy sản XK của doanh nghiệp Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường quốc tế, do đó doanh nghiệp cần chuyển hướng chiếm lĩnh thị phần cao cấp để nâng tỷ suất lợi nhuận cho các sản phẩm chế biến. Hiện nay các thị truờng nhập khẩu thủy sản lớn đều yêu cầu chặt chẽ về kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Các nước xuất khẩu thủy sản đối thủ cũng không ngừng mở rộng quy mô sản xuất và giảm giá thành sản phẩm. Riêng đối với mặt hàng cá tra, hiện nay Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và một số nước đã và đang đầu tư rất mạnh vào sản xuất, sẽ phá thế độc quyền của Việt Nam trong tương lai không xa. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam không thể tiếp tục cạnh tranh bằng giá rẻ mà phải tiến thêm một nấc cao hơn trong chuỗi giá trị. Vì vậy, năm 2023 là thời điểm doanh nghiệp tự tái cơ cấu, quản trị hàng tồn kho, đầu tư tập trung tốt hơn.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, để khắc phục những hạn chế, đưa sản xuất, chế biến cá tra vào chuỗi cung ứng, tỉnh đang tập trung tái cơ cấu, với định hướng là phát triển toàn diện lĩnh vực sản xuất giống và nuôi cá tra theo hướng xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến tới tiêu thụ sản phẩm; từng bước tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến nâng cấp, đổi mới dây chuyền chế biến cá tra theo hướng tăng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ các phần còn lại của cá tra sau phi lê; khuyến khích sử dụng hệ thống QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Mặc dù sẽ khó duy trì được tốc độ tăng trưởng như năm 2022, nhưng với sự chủ động của các doanh nghiệp, các chuyên gia dự báo XK cá tra trong năm nay sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng.

Nguồn: Haiquanonline